Nội chiến gia tộc bán lẻ hàng đầu tại Đức: Con trai kiện mẹ ruột và chị gái biển thủ 35 triệu USD

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hãng bán lẻ Aldi có thể trở thành nạn nhân của lời nguyền muôn thuở của các gia tộc kinh doanh: Thế hệ thứ nhất xây dựng, thế hệ thứ hai quản lý và thứ hệ thứ ba phá hoại.
Nội chiến gia tộc bán lẻ hàng đầu tại Đức: Con trai kiện mẹ ruột và chị gái biển thủ 35 triệu USD
Babette Albrecht - người đang bị con trai Nicolay Albrecht kiện ra tòa với cáo buộc biển thủ tiền từ quỹ tín thác của gia đình. Ảnh: Getty Images.

Theo tin từ tờ Sũddeutsche Zeitung, Nicolay Albrecht, cháu nội của nhà đồng sáng lập đế chế bán lẻ Aldi, vừa đâm đơn kiện gia đình mình lên tòa án thành phố Kiel, miền bắc nước Đức.

Trong đơn kiện, Nicolay buộc tội mẹ ruột - bà Babette, ba chị gái và các luật sư của gia đình đã biển thủ hàng chục triệu USD từ Jakobus Stiftung - một trong 3 quỹ tín thác của gia đình. Jakobus Stiftung hiện nắm giữ cổ phần của gia đình Nicolay tại Aldi Nord - một phần của đế chế bán lẻ Aldi.

Aldi là một trong những chuỗi siêu thị giảm giá lớn nhất thế giới với hơn 10.000 cửa hàng tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đế chế này hiện tập trung nhiều nhất ở Mỹ và Đức, đạt doanh thu hơn 50 tỷ euro (59 tỷ USD) vào năm 2019. 

Aldi được hai anh em Karl và Theo Albrecht thành lập tại thành phố Essen, Đức sau chiến tranh Thế giới thứ 2. Tới năm 1961, đế chế bán lẻ này chia làm đôi, trong đó Karl nắm giữ Aldi Sud còn Theo - ông nội của Nicolay - sở hữu Aldi Nord. Tới năm 1979, Aldi Nord thâu tóm chuỗi bán lẻ giảm giá Mỹ Trader Joe. Theo thống kê của Bloomberg hồi tháng 8, Albrecht là gia tộc giàu thứ 10 thế giới với tổng giá trị tài sản khoảng 41 tỷ USD. 

Karl Albrecht (trái) và Theo Albrecht, hai nhà đồng sáng lập Aldi. Ảnh: Getty Images. 

Tuy nhiên, những người thừa kế Aldi Nord bắt đầu lao vào cuộc chiến gia tộc sau cái chết của Berthold, con trai thứ hai của Theo Albrecht, vào năm 2012. Trong di chúc, Berthold muốn hạn chế quyền lực của các thành viên gia đình trong hội đồng quản trị của ba quỹ nắm giữ cổ phần của công ty. Trong 4 vị trí của hội đồng quản trị, giờ đây chỉ còn 2 suất cho thành viên gia đình này, thay vì 3 như trước đây. Theo đó, họ không còn quyền kiểm soát với hoạt động đầu tư của quỹ tín thác. 

Sau khi Berthold qua đời, vợ ông - bà Babette cùng 4 người con sinh tư (ba gái một trai) sinh năm 1990 và một con gái sinh năm 1992, đã đâm đơn kiện chống lại di chúc của ông, cho rằng ông đưa ra quyết định đó bởi mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng thất bại. Năm 2019, tòa án hành chính liên bang Đức ra phán quyết những người thừa kế của Berthold phải giảm bớt hiện diện trong hội đồng quản trị của Jakobus Stiftung, một trong ba quỹ trên.

Tuy nhiên, họ vẫn phớt lờ yêu cầu của tòa án. Hồi đầu năm, cơ quan giám sát quỹ ở Schleswig Holstein cho biết gia đình vẫn kiểm soát hội đồng quản trị của quỹ. Cơ quan này cũng gửi công văn yêu cầu quỹ dừng việc chi trả tiền cho những người thụ hưởng cho tới khi di chúc của ông Berthold được thực hiện. Bất chấp điều này, gia đình vẫn tiếp tục nhận hàng chục triệu USD vào năm ngoái như thường lệ. 

Giờ đây, trong diễn biến mới nhất của cuộc chiến gia tộc này, Nicolay cáo buộc mẹ và các chị em gái của ông lợi dụng vị trí tại hội đồng quản trị của quỹ - dù họ không có quyền pháp lý theo di chúc của cha - và hưởng lợi bất hợp pháp 30 triệu euro (35 triệu USD). Nicolay đã tuyệt giao với mẹ ruột bởi vì, lần đầu tiên vào năm ngoái, anh không còn được hưởng một phần của số tiền trên. 

Đơn kiện được nộp lên tòa án hồi tháng 8 và được cho là có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của Aldi Nord. Ban đầu, Aldi Nord chia vốn vào ba quỹ khác nhau nhằm ngăn chặn các thế lực thù địch thâu tóm công ty. Điều này có nghĩa là cả ba quỹ đều bắt buộc phải đầu tư lớn và nội chiến gia đình có thể khiến hoạt động của chuỗi bán lẻ này tê liệt.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử, Aldi mất ngôi vị chuỗi siêu thị số một tại Đức vào tay hãng bán lẻ Edeka. Đế chế Aldi có thể trở thành nạn nhân của lời nguyền muôn thuở của các gia tộc kinh doanh: Thế hệ thứ nhất xây dựng, thế hệ thứ hai quản lý và thứ hệ thứ ba phá hoại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật