“Mục sở thị” ngôi đền gần 600 năm tuổi ở Hà Tĩnh

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đền thờ Nghĩa vương Nguyễn Biểu ở thôn Tiến Thọ (xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) được Nhân dân lập vào năm 1428 để tưởng nhớ công ơn người sứ thần anh dũng, can trường.
“Mục sở thị” ngôi đền gần 600 năm tuổi ở Hà Tĩnh
Ảnh minh họa

Nguyễn Biểu là tướng nhà Hậu Trần (không rõ sinh năm nào và cha mẹ là ai), mất vào năm 1413. Nguyễn Biểu đỗ Thái học sinh (Tiến sỹ) thời Trần, ph‌ò vua Trần Trùng Quang chống giặc Minh, giữ chức Điện tiền thị Ngự sử. Năm 1413, quân Minh đánh vào Nghệ An, tình thế đất nước lúc ấy rất nguy cấp.

Vua Trùng Quang phải chạy vào Hóa Châu và sai Nguyễn Biểu đi sứ giảng hòa, thực hiện kế hoãn binh. Biết rõ bản chất tàn bạo của giặc Minh, Nguyễn Biểu xác định lần đi này là một sống mười chết. Nhưng với khí phách của một tướng lĩnh nước Nam, ông không hề run sợ.

Đến dinh của Trương Phụ, hắn bắt ông lạy, ông không lạy, hắn thị uy bằng cách đưa lên một “mâm cỗ đầu người”. Ông ung dung ăn và cảm khái làm bài thơ với tên gọi “Bài thơ ăn cỗ đầu người”. Khuất phục không được, Trương Phụ đã sai quân đưa Nguyễn Biểu ra trói dưới cầu Yên Quốc cho thủy triều lên cao dìm chết.

Trương Phụ giết ông nhưng vẫn ngầm kính phục, cho đưa th‌i hà‌i Nguyễn Biểu về an táng tại Bình Hồ (nay là xã Yên Hồ). Vua Lê Thái Tổ sau khi chiến thắng giặc Minh (1428) đã cho lập đền thờ ông ở Nội Diên (hiện nay là thôn Tiến Thọ, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ) phong là Nghĩa Liệt Hiển Ứng Uy Linh Trợ Thuận đại vương - tức Nghĩa sỹ Đại Vương.

Đền thờ Nguyễn Biểu là di tích lịch sử văn hóa được nhà nước xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1991.

Khuôn viên đền thờ Nghĩa vương Nguyễn Biểu rộng khoảng 5.000 m2, nằm cạnh Trường THCS Nguyễn Biểu và trụ sở UBND xã Yên Hồ.

Cổng vào của ngôi đền thờ gồm 2 cột nanh, thân vuông khối cạnh.

Kiến trúc đền theo kiểu chữ Tam, gồm ba tòa Thượng - Trung - Hạ điện.

Bước vào sau cổng chính là tòa hạ điện, đến nay vẫn còn lưu giữ bức hoành phi “Nghĩa vương miếu”.

Hạ điện là nơi để tổ chức các nghi lễ cúng bái vào ngày giỗ Nghĩa vương Nguyễn Biểu và các ngày lễ, tết.

Sau hạ điện là trung điện, nơi thờ các binh lính thời nhà Lê.

Phía trong cùng là thượng điện, nơi thờ tự Nghĩa vương Nguyễn Biểu.

Cả 3 tòa điện đều được xây dựng theo kiến trúc cổ, cột được làm bằng gỗ lim, gỗ mít.

Ông Nguyễn Văn Xuân (83 tuổi, trú thôn Tiến Thọ) - người trông coi và lo việc hương khói ở đền Nghĩa vương Nguyễn Biểu cho biết: "Ngôi đền được xây dựng theo kiến trúc cổ, hình tượng con rồng luôn được đề cao. Rồng được chạm khắc tinh xảo, đẹp mắt, biểu tượng cho sự quyền uy, sức mạnh".

Các họa tiết rồng phun lửa phía trên mái tòa thượng điện.

Toàn bộ ngôi đền được lợp bằng loại ngói hài cổ.

Phía trước đền thờ là hồ bán nguyệt trồng hoa súng rộng khoảng 15 m2.

Đền được Nhân dân tu sửa nhỏ nhiều lần, năm 2007 được Nhà nước cho trùng tu tòa trung điện và năm 2012 đại trùng tu với kinh phí khoảng 7,5 tỷ đồng. Dù vậy nhiều hạng mục vẫn giữ lại được đường nét kiến trúc xưa.

Đền thờ Nguyễn Biểu là di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1991. Ngày 1/7 âm lịch hàng năm, chính quyền, ngành văn hóa, dòng tộc và Nhân dân làm lễ tưởng niệm ông.

Phía trước ngôi đền Nghĩa vương Nguyễn Biểu khoảng 100 mét là ngôi mộ của ông được xây dựng khang trang.

Noi gương Tiến sỹ Nguyễn Biểu, con em xã Yên Hồ nói riêng và huyện Đức Thọ nói chung luôn nỗ lực, phấn đấu học giỏi, thành công trên nhiều lĩnh vực, góp phần làm rạng danh quê hương. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật