Ý tưởng U23 Việt Nam đá V.League có khả thi?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một doanh nghiệp vừa đề xuất thành lập đội U23 Việt Nam dự V.League để phát triển cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, ý tưởng này có phần không phù hợp thực tế bóng đá Việt Nam.
Ý tưởng U23 Việt Nam đá V.League có khả thi?
Bùi Hoàng Việt Anh là cầu thủ U23 Việt Nam hiếm hoi có chỗ đứng tại V.League. Ảnh: Việt Linh.

Hôm 29/6, một công ty có văn bản gửi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), đề xuất thành lập đội U23 Việt Nam dự V.League. Họ dự định tài trợ toàn bộ chi phí cho U23 Việt Nam dự giải đấu cao nhất của hệ thống bóng đá Việt Nam trong 3 năm. Sau 3 năm, doanh nghiệp này sẽ kêu gọi các đơn vị khác tiếp tục chung tay, đồng hành cùng U23 Việt Nam dự các mùa giải tiếp theo.

Theo ý kiến của một số chuyên gia và CLB, ý tưởng nói trên dù có thiện chí với mục đích tốt đẹp (giúp các cầu thủ U23 Việt Nam được cọ xát nhiều hơn), nhưng không phù hợp với hoàn cảnh bóng đá Việt Nam, dễ va chạm quyền lợi với các đội bóng.

Xáo trộn hệ thống thi đấu

Câu hỏi đầu tiên đặt ra là nếu đội U23 Việt Nam được thành lập và đá V.League, thành tích của đội bóng sẽ được tính thế nào?

Đứng ở nhóm đầu, U23 Việt Nam có nhận huy chương, giành vé dự cúp châu Á như các đội bóng khác? Đứng cuối bảng, U23 Việt Nam sẽ xuống hạng Nhất chơi bóng hay vẫn được giữ để đá V.League mùa tiếp theo?

Trong trường hợp U23 Việt Nam được tính thành tích, thứ hạng sòng phẳng như các CLB khác, hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ bị xáo trộn. Một đội bóng mới ra đời phải xuất phát từ giải hạng Ba, thi đấu thăng hạng dần dần qua từng mùa đến khi giành vé lên giải đấu cao nhất. Sự xuất hiện ở V.League của một đội bóng mới được thành lập, còn chưa có tổ chức, quy củ rõ ràng là thiếu công bằng với nỗ lực phấn đấu lên chơi chuyên nghiệp từ những CLB khác.

Còn nếu xem U23 Việt Nam như đội bóng “quân xanh”, thi đấu kiểu vô thưởng vô phạt, không được tính kết quả và thứ hạng như các đội khác, tính chất các trận đấu sẽ bị nghi ngờ. Một đội bóng chơi mà không cần quan tâm đến thành tích thì khó tạo ra tính cạnh tranh để thúc đẩy cầu thủ phát triển.

Dù có hay không tính thành tích cho U23 ở V.League, sự xuất hiện của đội tuyển trẻ này cũng tạo ra những xáo trộn. Chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích với Zing: “Đề xuất này không phù hợp với bóng đá Việt Nam, có thể ảnh hưởng đến hệ thống lên xuống hạng ở các giải vô địch quốc gia. Để chơi ở V.League, các đội phải bắt đầu từ giải hạng Ba. Một đội bóng mới thành lập, chưa được đầu tư rõ ràng lại xuất hiện ở V.League ngay thì không ổn".

"V.League hiện có 14 CLB chuyên nghiệp tham dự. Ban điều hành giải đã có lịch trình giải tới tận mùa 2023/24. Giờ đưa đội U23 Việt Nam vào đâu? VPF (Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam) sẽ không đồng ý với đề xuất này. Ngoài ra, năm nay U23 Việt Nam đá giải, vậy năm sau các cầu thủ ấy lên 24 tuổi thì có thi đấu nữa không? Chọn cầu thủ cho đội U23 theo tiêu chí nào? Đó đều là vấn đề khiến những người làm chuyên môn lấn cấn”, cựu HLV Bình Dương nhấn mạnh.

CLB Viettel có dễ dàng cho đội U23 Việt Nam mượn Nhâm Mạnh Dũng (áo đỏ), Phan Tuấn Tài để chơi tại V.League? Ảnh: Thuận Thắng.

Một trở ngại khác nếu thành lập đội U23 Việt Nam đá V.League là đội bóng này lấy nguồn cầu thủ từ đâu? Liệu các CLB có đồng ý nhả quân cho đội tuyển này? Trong thành phần U23 Việt Nam dự giải châu Á, có những cái tên đã chiếm được vị trí ở CLB như Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình, Lý Công Hoàng Anh, Nguyễn Văn Toản.

Kể cả khi cầu thủ không có suất đá chính, việc CLB đã bỏ nhiều tiền cho công tác đào tạo trẻ, nay lại để cầu thủ sang đội khác cống hiến không phải lựa chọn dễ dàng. Nhà tài trợ của U23 Việt Nam sẽ trả lương, thưởng, phí mượn hoặc mua cầu thủ từ đội chủ quản thế nào? Đó đều là những điều chưa được làm rõ trong công văn đề xuất lập đội U23 của doanh nghiệp.

“V.League là giải đấu chuyên nghiệp cao nhất của bóng đá Việt Nam, có hệ thống lên xuống hạng, doanh nghiệp cũng đầu tư nhiều tiền của vào các CLB để làm bóng đá. Nếu bây giờ thành lập một đội đá chỉ để tích lũy kinh nghiệm nhằm đấu giải quốc tế thì có ăn nhập với hệ thống bóng đá Việt Nam không?".

"Sự xuất hiện của một đội bóng không có động lực thành tích chỉ khiến bóng đá thiếu cạnh tranh và kém hấp dẫn. Lợi ích các CLB và doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá bị ảnh hưởng, ai sẽ chịu trách nhiệm”, lãnh đạo một CLB đặt dấu hỏi với Zing.

BLV Quang Huy cho rằng đẩy ồ ạt cầu thủ U23 lên đá V.League chưa chắc tốt. Ảnh: Ngọc Lê.

Cần giải pháp khả thi

Chia sẻ với Zing, BLV Vũ Quang Huy cho rằng không phải cứ đôn đội bóng trẻ lên chơi V.League là cầu thủ tự phát triển được: “Việc đẩy cầu thủ trẻ ồ ạt lên chơi V.League chưa chắc đã tốt. Bóng đá không phải phép toán 1+1=2 chính xác như lý thuyết. Bầu Đức từng đôn cả khóa một Học viện HAGL JMG. Nhưng thực tế cho thấy đội HAGL khi ấy đã gặp rất nhiều khó khăn".

"Cứ để cầu thủ trẻ tự đá với nhau thì không ổn mà cần đan cài sức trẻ với kinh nghiệm. Khi sinh hoạt, tập luyện, thi đấu cùng lứa đàn anh cũng như các ngoại binh, cầu thủ trẻ học được rất nhiều điều. Không phải cứ tạo ra một đội trẻ đá V.League đã là hay”, BLV Quang Huy nêu quan điểm.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng bóng đá Việt Nam cần có chiến lược cho từng lứa cầu thủ, đảm bảo phát triển cho cầu thủ trẻ nhưng không làm xáo trộn hệ thống bóng đá Việt Nam mới là hướng đi bền vững và hiệu quả nhất.

“Nếu muốn tốt cho bóng đá trẻ, doanh nghiệp cần chung tay cùng VFF có chiến lược đầu tư cụ thể cho từng lứa cầu thủ từ U17, U19, U21 đến U23. Mỗi lứa cầu thủ cần có chiến lược kéo dài tối thiểu từ 2 đến 4 năm. Các cầu thủ trẻ nên được tạo điều kiện tập huấn, cọ xát quốc tế trong thời gian FIFA Days khi V.League tạm nghỉ. Chuyến đi Đức của U17 Việt Nam tháng trước có thể là hình mẫu để tham khảo".

"Các cầu thủ cần được đào tạo và trao cơ hội thi đấu để nâng cao trình độ. Nhìn chung, ý tưởng của doanh nghiệp nói trên cũng cho thấy tâm huyết với bóng đá Việt Nam nhưng cần nghiên cứu để phù hợp hơn với thực tế”, cựu HLV Ninh Bình khẳng định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật