Mơ về Trường Sa

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những quyển sách với cánh thư Quyên gửi vượt ngàn sóng gió cuối cùng cũng ra đến Trường Sa.
Mơ về Trường Sa
Ảnh minh họa

Hay tin có thư từ đất liền, sau giờ canh gác, Phát háo hức chạy đến bưu cục Trường Sa nhận quà. Bưu cục nhỏ, thỉnh thoảng mới có bưu phẩm trong đất liền gửi ra đảo. Chị bưu tá nhớ hết tên tuổi, mặt mũi của những chiến sĩ từng ghé ngang qua chỗ chị nhận bưu phẩm. “Chiến sĩ Trường Sa, cậu nào mà có thư, có quà là sướng nhất trần đời”, chị bưu tá nói đùa, cười tươi rói.

- Nhận thư của Quyên - Phát reo lên. Có cả sách nữa, niềm vui ánh lên trên khuôn mặt rám nắng của chàng lính đảo.  

- Nhất cậu rồi đấy nhé!

Phát cảm ơn chị bưu tá rối rít rồi chạy về một mạch. Sách thì Phát khoe với anh em trong đơn vị, thư thì Phát giữ cho riêng mình. Ai lại đi khoe thư bao giờ, trừ khi trong thư Quyên có những lời thăm hỏi, nhắn gửi đến các chiến sĩ khác trên đảo mà Quyên tiếp xúc trong lần ra đảo công tác. Anh em biết Phát có thư nên trêu, giả vờ giận nếu Phát không cho đọc. Phát ngượng chín mặt:

- Thư “người yêu” gửi, cho các anh đọc, em... mắc cỡ lắm!

Thấy Phát bối rối, cả đám cười vang dưới bóng cây bàng vuông. Biển chiều yên ắng, nắng không quá gắt trải nhẹ trên bờ cát xôn xao.

Không trêu Phát nữa, anh em chia sách cho nhau để đọc. Sách Quyên gửi ra Trường Sa toàn những quyển sách hay mà đồng nghiệp, bè bạn đóng góp. Có cả những quyển sách Quyên viết. Gần nhất là quyển sách do Nhà xuất bản Kim Đồng in trong Tủ sách Biển Đảo - quyển sách  Quyên viết sau chuyến đi công tác trên đảo Trường Sa năm ngoái, trong vai trò là phóng viên trẻ của thành phố.

Ở nơi hải đảo xa xôi này, có sách để đọc là một niềm hạnh phúc.

*

- Sếp, em muốn ra Trường Sa chuyến này. Sếp đồng ý nhé!

Đó là lời đề nghị, nói đúng hơn là lời thỉnh cầu của Quyên. Tổng Biên tập vô cùng ngạc nhiên. Anh nhìn Quyên đăm đăm, như để dò xem Quyên nói thật hay nói đùa.

- Thật chứ? Cô mong manh dễ vỡ thế kia, gió thổi một phát là bay vào đất liền chứ chẳng chơi.

- Em nói thật đó - Quyên tha thiết. Em muốn đi Trường Sa. Chỉ một lần thôi em cũng mãn nguyện rồi! Sếp...

Tổng Biên tập ngồi ngẫm ngợi trước khi đưa ra quyết định cử Quyên ra Trường Sa công tác. Ra Trường Sa là mong ước của Quyên. Quyên yêu Trường Sa, Hoàng Sa bắt đầu từ những câu hát Quyên nghe được hồi còn học THCS. "Mỗi cánh thư về từ đảo xa/ Anh thường bảo rằng Trường Sa lắm xa xôi/ Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương/ Chỉ có loài chim biển...". Ngày ấy, Quyên ngồi nghe Thanh Thúy hát trên tivi rồi nhanh tay chép lại, chữ được chữ mất. Quyên ngồi trên bờ đê ngân nga trong mỗi buổi chiều, tưởng như mình đang ngồi hát trên bờ đá có tiếng sóng vỗ. Nghe vài lần thì Quyên cũng thuộc trọn vẹn. Đó là bài "Gần lắm Trường Sa" của nhạc sĩ Hình Phước Long.

Mẹ nói Quyên thích Trường Sa, chừng nữa mẹ gả Quyên cho anh lính Trường Sa nào đó để Quyên thỏa sức hát về đảo xa, ngợi ca lính đảo. Quyên cười bảo còn nhỏ biết gì đâu mà vợ vợ chồng chồng. Hồi Quyên học THPT, cô giáo kể chuyện những người lính đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc tại bãi đá Gạc Ma... tim Quyên như thắt lại. Quyên lớn lên, mang trong lòng tình yêu biển đảo bao la. Quyên “bén duyên” với con chữ, vừa là nhà văn, vừa là nhà báo. Quyên có cơ hội đi khắp mọi miền đất nước, riêng Trường Sa là Quyên chưa một lần được đến.

Tổng Biên tập đứng dậy bước đến vỗ vai Quyên.

- Tôi tin em. Giữ sức khỏe thật tốt để ra Trường Sa nhé!

Tự dưng Quyên vừa muốn nhảy cẫng lên, lại vừa muốn khóc. Quyên đợi chờ chuyến công tác ở Trường Sa cũng như cái gật đầu của sếp đã từ lâu. Cuối cùng thì sếp cũng đã đồng ý. Đêm hôm đó, Quyên không tài nào chợp mắt được. Cái cảm giác bồn chồn, nôn nao như ngày nhỏ mẹ lỡ hứa cho Quyên ra chợ xa là Quyên cứ mơ tưởng đến ngày theo mẹ ngồi đò dọc hàng giờ để đi chợ. Giờ đây Quyên cũng sắp sửa đi, nhưng không phải đi với mẹ, mà đi cùng đoàn công tác số 7, không phải đi ra chợ tỉnh ngày ấy với Quyên là nơi xa xôi và phồn hoa nhất, mà là ra Trường Sa, nơi Quyên ôm ấp suốt một thời tuổi trẻ, chỉ mong một lần được đặt chân đến.

Mỗi lần nhắm mắt, biển xa nghìn trùng, những cánh sóng bạc đầu mải miết trôi, rì rầm vỗ vào bờ đá lại hiện ra trong tâm tưởng của Quyên.

*

"Phát mến!

Giờ này anh đang làm gì? Anh có nhớ về em, nhớ về cô phóng viên nhỏ nhắn lần đầu ra Trường Sa, gặp anh và rồi nâng niu, trân trọng những hình ảnh về anh và người chiến sĩ hải đảo trong trái tim đầy tình yêu và nhiệt huyết hay không? Chưa bao giờ em thấy yêu biển và anh nhiều đến thế! Em được sinh ra ở đồng bằng, nơi có những dòng sông, cánh đồng  chiều về cò bay rập rờn. Em vẫn cứ nghĩ mình chỉ yêu mỗi chốn ấy, vì đó là máu thịt, là nơi chôn nhau cắt rốn. Cho đến khi em nghe về Trường Sa. Cho đến khi đôi chân em đặt trên những mỏm đá rát bỏng của Trường Sa. Cho đến khi em gặp Phát - người lính Trường Sa có nước da ngăm đen bởi nắng và gió biển, bởi vị mặn mòi của nước biển, bởi từng mùa biển động phong ba...".

Đọc những dòng đó, tim Phát như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Đêm. Con trăng hiền lành ghé thăm hải đảo, soi xuống vuông sân trước đơn vị. Dưới gốc cây bàng vuông đẫm sương, Phát ngồi trên ghế đá lần giở thư Quyên để đọc. Mỗi câu chữ của Quyên như chạm cả vào lòng Phát, như thể đó là lời Quyên nói với Phát chứ không phải là bức thư được viết rồi dán tem, gửi từ đất liền ra đảo.

Lần Quyên ra Trường Sa, biển đương độ đẹp đẽ và êm ả. Khoảnh khắc đón Quyên ở bến tàu, Phát đại diện mấy anh em chiến sĩ đến tặng hoa cho Quyên. Quyên cười, tóc Quyên lòa xòa trong gió. Sống ở Trường Sa đã lâu, cái cảm giác rung động trước một người con gái bấy lâu ngủ quên trong Phát thì giờ đây trỗi dậy khi gặp Quyên. Người lính trẻ với giọng nói rắn rỏi, hành động dứt khoát đâu rồi để khi đứng trước mặt Quyên Phát lại lắp bắp, mấy câu hỏi han cũng không tròn vành rõ chữ, cái nắm tay dắt Quyên từ mũi tàu lên đảo cũng run run. Quyên đoán biết được, sợ Phát ngượng nên Quyên không nói. Nhân lúc Phát không để ý, cô lùi lại mấy bước tranh thủ giơ ống kính để chụp ảnh Phát từ phía sau, rồi vờ chụp bông hoa bàng vuông ngang tầm ngực Quyên khi Phát quay lại hỏi sao Quyên đi chậm.

Đoàn công tác số 7, trong đó có thanh niên trẻ ưu tú ở thành phố, phóng viên, nhà văn, họa sĩ... đến Trường Sa thăm, động viên các chiến sĩ hải đảo, những anh lính xa nhà làm nhiệm vụ ở tuyến đầu Tổ quốc. Mười ngày ngắn ngủi nhưng chắc chắn sẽ là một ký ức đẹp trong cuộc đời mỗi người. Với Quyên, đây là chuyến đi có ý nghĩa mà cô đã khao khát, mong mỏi suốt một thời tuổi trẻ sôi nổi. Vì thế, mỗi khoảnh khắc trên đảo đều thiêng liêng đối với cô. Quyên chụp đủ mọi cảnh, từ cảnh biển đến cảnh sinh hoạt đời thường của chiến sĩ hải đảo. Quyên ghi ghi chép chép mỗi khi nghe anh chiến sĩ kể chuyện... để khi về Quyên sẽ viết riêng một quyển sách về Trường Sa.

Ngày đoàn công tác đến Trường Sa, đêm trên đảo vui như hội. Trong khuôn viên rộng trước đơn vị của Phát, với sân khấu đơn sơ chỉ có tấm vải treo làm phông, các chiến sĩ hát tặng người từ đất liền, còn người từ đất liền cũng tặng lại các chiến sĩ những món quà tinh thần. Quyên cũng góp vui bằng bài hát mà cô thuộc lòng từ thời còn đi học, mỗi khi có dịp cô đều hát mê say. Quyên đứng trên sân khấu, mặc chiếc áo màu xanh thanh niên, tóc tết bím, cổ đeo khăn rằn, chân mang dép râu - loại dép của bộ đội ngày xưa... Quyên cất giọng: "Em đến thăm anh giữa trùng khơi mênh mông/ Em đến thăm anh nơi hải đảo xa xôi/ Nghe em hát biển xanh thôi thét gào/ Nghe em hát bãi sa hô rì rào/ Nghe em hát...". Đó là bài "Tiếng hát nơi đảo xa" của nhạc sĩ Thanh Bình. Tiếng Quyên trong veo, ngân xa và hòa vào gió biển. Lời Quyên có sóng biển vỗ về điểm nhịp, có tay giơ, tay lắc lư đều đặn và đôi mắt đắm say của những anh bộ đội hải quân... Quyên thấy niềm hạnh phúc dâng lên trong lòng mình. Quyên thấy yêu Trường Sa, yêu những người chiến sĩ sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn trăm bề, yêu dáng hình Tổ quốc mình nhìn từ phía biển. Mảnh đất máu xương, biển cả thiêng liêng, tất cả đã được giữ gìn trọn vẹn qua bao thế hệ, giờ đây vẫn vững chãi kiêu hùng...

- Có bao giờ Phát thấy nhớ nhà mà muốn trở về đất liền lập tức hay không?

Quyên ghé tai Phát hỏi, khi mọi người đang vỗ tay sau câu vọng cổ “ngọt như mía lùi” của chàng trai đến từ mảnh đất cuối trời Tổ quốc.

- Có chứ, nhớ lắm, nhất là những chiều mưa, biển âm u. Phát tự hỏi giờ này không biết mẹ đang làm gì, mấy đứa em có phụ mẹ đem mớ củi khô vào trong bếp hay không, lưng của cha đã bớt đau nhức hay chưa... Hôm trước Phát gọi về cha than đau lưng, nghe mà buồn.

Quyên im lặng. Phát thoáng thấy đôi mắt Quyên ngấn nước. Biết Quyên buồn vì câu chuyện của mình nên Phát nói tiếp để kéo tâm trạng Quyên quay lại.

- Nhưng ở lâu trên đảo thì quen, Quyên ạ. Với lại mình là thanh niên, mình không nhận nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió thì ai sẽ nhận đây!

Trong ánh lửa bập bùng giữa đảo xa, Quyên thoáng thấy trên đôi môi của người lính lại nở nụ cười. Tự lúc nào Quyên đã ngả đầu vào vai của Phát. Sau đêm liên hoan văn nghệ, họ cùng nhau ngồi ngắm biển đêm rào rạt sóng. Trăng vàng cổ tích. Trong gió có hương muối biển. Tay Phát lần tìm tay Quyên dưới ánh trăng.

- Sao Phát run dữ vậy?

- Quyên biết không - Phát lí nhí - Đây là lần đầu tiên Phát nắm tay một người con gái.

Quyên cười. Cô chủ động siết chặt tay Phát khiến anh giật mình.

Đêm để nhớ, để thương. Đêm bình yên trên biển. Bất giác Quyên thấy giữa đất liền và Trường Sa không còn xa xôi nữa. Mai Quyên về, nhất định Quyên sẽ nhớ rất nhiều về Trường Sa, về Phát. Quyên thấy đây là nhà, là quê hương, là Tổ quốc của mình. Nơi đây có Phát, có những chàng lính trẻ chọn cách gác lại gia đình, gác lại những giấc mộng riêng tư để thực hiện nhiệm vụ ở Trường Sa. 

"…Từ khoảnh khắc đó, Quyên biết Trường Sa là máu thịt của mình. Biển quê hương nằm trong huyết quản của mình. Phát nằm trong tim Quyên".

*

Nụ cười của Phát, hình ảnh của người lính Trường Sa, cánh chim hải âu, vòng hoa thả xuống biển để tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển khơi... tất cả sẽ trở thành chất liệu quý báu để Quyên viết.

Những cánh thư liên tục gửi về phía đảo. Những cánh thư về mang theo nỗi nhớ xa xôi. Phát gửi Quyên chiếc lá bàng vuông, nhành hoa biển ép khô trong trang giấy... Nhành hoa, chiếc lá bàng vuông mang cho Quyên hương vị của biển cả, ánh nắng của Trường Sa và tâm tình của người lính biển qua dòng thư được viết trong những phút giây rảnh rỗi. Ngồi trên bàn viết, Quyên chợt nghĩ về Phát, về Trường Sa, Quyên nhớ khoảnh khắc Phát tiễn cô xuống tàu về đất liền. Tàu đi xa, Quyên ngoái lại vẫn thấy Phát vẫy tay, vẫy chiếc khăn rằn Quyên tháo từ trên cổ để quàng lên cổ Phát. Biển xanh long lanh in hình Quyên, nghiêng nghiêng cánh chim hải âu.

Thư chiều nay - bức thư cuối cùng Quyên gửi ra Trường Sa cho Phát.

Là bức thư cuối cùng, bởi Quyên vừa gọi điện cho sếp. Quyên muốn xin thêm một chuyến đi đến với Trường Sa...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật