Vì sao nông dân, HTX vẫn chưa được hưởng lợi dù xuất khẩu nông, thủy sản tăng?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng nông, thủy sản trong 7 tháng đầu năm dù tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng hiện được cho là vẫn chưa bảo đảm cho người dân, thành viên HTX có lãi. Đây cũng được xem là nghịch lý của ngành nông nghiệp hiện nay.
Vì sao nông dân, HTX vẫn chưa được hưởng lợi dù xuất khẩu nông, thủy sản tăng?
Giá lúa tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng 500-600 đồng/kg nhưng chi phí đầu vào vẫn ở mức cao.

Mặc dù phải đối diện nhiều khó khăn từ thị trường thế giới cùng giá cước vận tải tăng, song xuất khẩu nông sản Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. Số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, chỉ trong trong 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản của nước ta ước đạt khoảng 58,3 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng xuất khẩu đạt khoảng 32,3 tỷ USD, tăng 12,2%.

Lợi nhuận mong manh

Tuy nhiên, thực trạng hàng hóa ở trong nước, thu nhập của người nông dân thì không được lạc quan như vậy, thậm chí còn đang trên đà tụt dốc dù cho giá một số mặt hàng có nhích tăng.

Chẳng hạn như cá tra là một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt khoảng 1,6 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm (tăng 83,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Điều này cũng thúc đẩy giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng. Hiện, mức cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đang trong khoảng 26.000-28.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000-5.000 đồng/kg so cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, trong lúc giá loại thủy sản này tăng thì người nuôi cá tra lại chẳng thấy lợi nhuận, hoặc có nhưng lợi nhuận rất mong manh.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX thủy sản Đại Thắng (Hậu Giang), cho biết, giá cá tra tăng nhưng giá các nguyên liệu đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. “Theo tính toán, giá đầu vào phục vụ nuôi cá tra hiện thấp nhất khoảng 26.000-27.000 đồng. Như vậy, lợi nhuận của thành viên, người dân nằm ở đâu?”, ông Phong đặt câu hỏi.

Cũng giống như cá tra, gạo cũng là mặt hàng xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD trong 7 tháng qua, (tăng 9% so với cùng kỳ). Và giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang cao hơn cuối năm ngoái khoảng 500-600 đồng/kg, nhưng thu nhập của người trồng lúa chẳng những không tăng mà còn giảm.

Bởi nếu giá lúa có tăng nhưng giá thu mua tại ruộng cũng chỉ 5.500-6.400 đồng/kg, trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng cao. Chẳng hạn như DAP là loại phân thường được người trồng lúa sử dụng hiện đã tăng thêm 100.000 đồng/bao loại 50kg lên gần 1,4 triệu đồng. Tính ra, mỗi ha lúa, nông dân chỉ có lãi từ 15 - 17 triệu đồng. Nếu tính cả công chăm sóc, bơm tưới, vận chuyển… thì lợi nhuận không được bao nhiêu.

Không chỉ những mặt hàng trên, hiện rất nhiều nông sản có giá trị xuất khẩu cao như sắn, cà phê, hồ tiêu, tôm… nhưng nông dân, thành viên HTX là người trực tiếp sản xuất ra lại chưa có lãi.

Nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng trên thế giới đã tạo cơ hội cho ngành nông sản xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đây cũng là điều khiến chi phí sản xuất của nông dân tăng vọt và ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất.

Trước thực trạng trên, nhiều hộ dân, thành viên HTX đã phải giảm bớt diện tích, thậm chí có người bỏ hoang chuồng trại, ao nuôi bởi càng chăn nuôi, sản xuất thì càng lỗ. Nhất là khi giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, giống… vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ông Trương Văn Điền (Hồng Ngự, Đồng Tháp), từng là giám đốc HTX Thủy sản Phú Thuận B cho biết, giá nguyên liệu đầu vào leo thang khiến chi phí đầu tư cao hơn 30-40% so với cùng kỳ năm 2021. Chính vì vậy mà dù giá cá đã tăng nhưng cũng không đủ bù chi phí đầu tư nên HTX của ông vừa phải giải thể.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng nếu giá thu mua các mặt hàng nông sản không tăng lên nữa và giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp không giảm thì tình trạng người dân, HTX giảm diện tích, số lượng đàn vật nuôi vẫn sẽ tiếp diễn.

Vì vậy, nếu không có giải pháp can thiệp hữu hiệu, rất dễ xảy ra tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Khi đó, không chỉ có người dân, HTX khó khăn mà cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ đối mặt với khó khăn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đề ra, đó là đưa xuất khẩu nông sản cán đích 55 tỷ USD năm 2022 (cao hơn nhiệm vụ Chính phủ giao 5 tỷ USD).

Cần đầu tư xứng đáng

Từ thực tế có thể thấy, ngành nông nghiệp đang ở trong tình trạng bấp bênh và dễ tổn thương do tác động từ bên ngoài. Với những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng, có giá trị cao còn gặp khó, thì với những nông sản khác, giá trị xuất khẩu chưa cao hoặc chủ yếu tiêu thụ tiểu ngạch, khó khăn càng nhân lên gấp bội.

Chẳng hạn như quả bơ. Tuy là loại cây ăn quả chủ lực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên nhưng hiện loại nông sản này lại khó khăn về đầu ra vì hầu hết là xuất khẩu tiểu ngạch và tiêu thụ trong nước. Điều này khiến giá cả bấp bênh và hiện ở mức thấp.

Theo khảo sát tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, giá quả bơ chỉ quanh quẩn ở mức 6.000-10.000 đồng/kg, trong khi ở cùng thời điểm này năm ngoái, giá bơ ở mức… 58.000-60.000 đồng/kg. Đầu ra khó khăn, giá rẻ khiến đời sống của người trồng bơ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do Việt Nam chưa chủ động được các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi nông nghiệp được xem là ngành có nhiều lợi thế và cũng là trụ đỡ của nền kinh tế.

Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là hướng đến nâng cao đời sống cho người dân. Thế nhưng nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm xứng tầm. Bởi nếu quan tâm và đầu tư xứng đáng thì khi xuất khẩu nông sản tăng, người dân, doanh nghiệp, HTX phải được hưởng lợi từ thành quả lao động và từ chính mảnh đất của mình.

Người dân, HTX nuôi cá tra chưa được hưởng lợi từ sản xuất vì giá đầu vào tăng cao.

Theo các chuyên gia dù nông nghiệp, nông dân được khẳng định có vai trò rất quan trọng với nền kinh tế, nhưng đây lại là đối tượng yếu thế nhất trong việc tiếp cận chính sách trợ giúp của Nhà nước, thậm chí chính sách còn bỏ quên họ.

Điều này có thể thấy khi chi phí đầu tư tăng cao và dịch Covid-19 diễn ra, người dân, HTX nhận được rất ít các chính sách hỗ trợ. Các chính sách từ hỗ trợ thiên tai, hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi, tiếp cận tín dụng, đất đai… đều rất khó khăn và chưa phù hợp với thực tiễn. 

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước cho nông nghiệp còn hạn chế, mới đáp ứng 55-60% nhu cầu. Theo viện Chính sách lương thực thế giới (IFPRI), Việt Nam mới chỉ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp. Trong khi đó ở Trung Quốc là 0,5%, Brazil là 1,8%.

PGS, Ts Đào Thế Anh, Phó Giám đốc viện nghiên cứu Khoa học nông nghiệp, cho biết nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để nông nghiệp có thể phát huy tốt vai trò trụ đỡ của nền kinh tế và giúp người dân, HTX được hưởng lợi từ nông nghiệp thì Nhà nước cần tìm ra được biện pháp hữu hiệu để giúp người nông dân, HTX không phải lo lắng tình trạng “nông sản rớt giá, bấp bênh và bị phụ thuộc nguyên liệu đầu vào.

Muốn vậy, ngân sách nhà nước cần đầu tư thích đáng, đúng mức cho nông nghiệp. Chẳng hạn như đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam cần tăng ít nhất khoảng 4 -5 lần so với mức đầu tư hiện nay thì mới đưa sản xuất theo hướng hiện đại, hình thành các chuỗi giá trị tập trung, từ đó hạn chế rủi ro, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

“Nông nghiệp là ngành quan trọng nhưng chưa được nâng tầm. Chính vì vậy, cần quan tâm đặc biệt, thực tế và xứng tầm bởi điều quan trọng nhất đối với người nông dân và các HTX chính là “một bộ đệm” chính sách phù hợp với đặc trưng của ngành nghề sản xuất, với văn hóa lối sống truyền thống làng xã và với đặc thù của mô hình kinh tế tập thể”, PGS, Ts Đào Thế Anh nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật