24 năm làm nhà nước, lương chỉ hơn 8 triệu đồng

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện đang là lãnh đạo của một văn phòng thuộc Bộ tại TPHCM nhưng tổng thu nhập hàng tháng của anh Thanh chỉ là 10.566.000 đồng, không đủ nuôi con trai lớn đang học đại học.
24 năm làm nhà nước, lương chỉ hơn 8 triệu đồng
Ảnh minh họa

Lương chỉ đáp ứng 1/4 nhu cầu

Nhiều công chức, viên chức cho rằng mức lương hiện tại khiến họ rất khó khăn do chi phí sinh hoạt ở thành phố khá cao.

Anh Trần Tuấn Thanh là lãnh đạo của một văn phòng trực thuộc Bộ tại TPHCM đã nhiều năm. Hàng ngày, 6h sáng anh di chuyển quãng đường gần 20km từ huyện Nhà Bè vào trung tâm để có mặt tại cơ quan lúc 7h, đi trễ hơn chút là kẹt xe. 17h chiều, khi kết thúc giờ làm, anh Thanh tiếp tục ở lại cơ quan xử lý những văn bản còn tồn đọng, rất ít khi về nhà trước 21h.

"Ngoài công việc còn phải có các mối quan hệ bên ngoài, nhiều buổi tối cũng phải đi giao lưu với anh em, muốn về sớm cũng không được. Cuối tuần thì tuần nghỉ, tuần không, có khi ở chung nhà mà con cái cả tuần không thấy mặt bố", anh Thanh kể.

Vị cán bộ này cho biết đã "ăn lương nhà nước" 24 năm, hiện đang hưởng lương  chuyên viên chính bậc 3, hệ số 5,08, phụ cấp chức vụ 1,1 nên mức lương hàng tháng được hơn 8 triệu đồng. Tính tổng các khoản hỗ trợ khác, mỗi tháng anh nhận được 10.566.000 đồng.

Anh Thanh cho biết hiện đang nuôi con trai lớn học đại học năm 3 và con gái học lớp 11. Mỗi tháng, tiền học và chi tiêu cho con trai khoảng 10 triệu đồng, con gái khoảng 6 triệu đồng và của vợ chồng anh khoảng 20 triệu đồng.

"Tính đơn giản nhất thì mỗi năm gia đình phải chi tiêu hết hơn 430 triệu đồng nhưng thu nhập của tôi chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu của gia đình. Thực sự rất khó khăn. Thu nhập là vấn đề rất nan giải với tôi và gia đình khi 3 năm qua mức lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức chưa thay đổi", vị cán bộ gốc Nam Định tâm sự.

Do áp lực công việc, nhiều công chức, viên chức đã nghỉ việc để đi làm các công việc tự do.

Theo vị này, trước đây, môi trường làm việc là nguyên nhân khiến nhiều công chức, viên chức nghỉ việc nhiều hơn là vấn đề tiền lương. Tuy nhiên, những năm gần đây và đặc biệt sau đại dịch Covid-19, tiền lương thấp là nguyên nhân hàng đầu khiến công chức, viên chức nghỉ việc.

"Mức lương cơ sở hiện giờ là 1,49 triệu đồng. Công chức có trình độ đại học mới đi làm hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34 thì chỉ nhận được gần 3,5 triệu đồng mỗi tháng, quá thấp, không thu hút được nhân sự. Những người có kinh nghiệm làm 5 - 7 năm cũng chỉ nhận lương 5 - 7 triệu đồng/tháng, cũng sẵn sàng nghỉ việc và qua các đơn vị tư nhân làm việc với mức lương 15 - 20 triệu đồng/tháng", ông Thanh nói thêm.

Tại cơ quan của anh Thanh, 2 năm nay liên tục có cán bộ xin nghỉ việc để chuyển qua làm ở các lĩnh vực khác. Ông Thanh cũng đã nhiều lần "làm tư tưởng" với anh em để níu kéo người ở lại nhưng bất thành vì "có thực mới vực được đạo". Hiện, cơ quan anh Thanh vẫn đang thiếu rất nhiều vị trí chuyên môn nhưng không thể tuyển dụng.

Theo số liệu của Cục Thống kê TPHCM, 6 năm qua, thu nhập của công chức, viên chức tại thành phố tăng chưa đến 2 triệu đồng, trung bình mỗi năm tăng 319.000 đồng. Năm 2021, thu nhập bình quân của cán bộ, công chức, viên chức ở thành phố đạt gần 8,86 triệu đồng/ tháng. So với 2015, số viên chức năm 2021 của TPHCM giảm khoảng 24.000 người.

Áp lực chỉ tiêu, không có thời gian chăm sóc gia đình

Nhiều cán bộ phải làm việc tới khuya do công việc quá nhiều, không thể chăm sóc gia đình chu đáo.

Sau gần 10 năm làm địa chính ở một xã tại huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), anh Võ Thành Lâm đã quyết định nghỉ việc đi làm "cò đất". Trước khi nghỉ việc, anh có hệ số lương 3,33 với mức lương hơn 5 triệu đồng, và hơn một triệu đồng phụ cấp. Tính tổng các khoản thưởng, phụ cấp thì mỗi năm anh Lâm nhận gần 100 triệu đồng.

"Công việc quá áp lực, làm từ sáng tới khuya, có khi 12h đêm còn ở lại cơ quan xử lý hồ sơ nhưng thu nhập lại quá thấp. Ban đầu cũng nghĩ làm nhà nước để ổn định, sau này già có lương hưu nhưng giờ khó khăn quá, phải lao ra đường kiếm tiền thôi", anh Lâm giải thích.

Chưa dừng lại ở đó, gia đình anh Lâm cũng thường xuyên lục đục vì chồng "đi sớm về khuya". Khi vợ mang thai và nuôi con nhỏ, anh Lâm cũng chẳng phụ giúp được gì nhiều khiến tình cảm vợ chồng ngày càng xa cách.

"Mình cũng muốn thức đêm để phụ vợ chăm con nhưng không thể thức đêm nhiều được. Thức một đêm chăm con thôi thì sáng hôm sau lên cơ quan đã rất mệt, mắt mở không nổi, lỡ xử lý sai hồ sơ là bị kỷ luật ngay, sai sót nghiêm trọng có thể bị xử lý Hình Sự chứ đâu đùa được. Nhiều người nói sao không thuê giúp việc về phụ giúp vợ việc nhà, tôi trả lời thẳng, tiền đâu mà thuê", anh Lâm nói thêm.

Gần 2 năm đi làm "cò đất", anh cán bộ địa chính xã ngày nào đã trả hết gần 100 triệu đồng nợ trước đó và có tiền sửa sang lại căn nhà cũ ngày xưa. Mỗi tháng, anh có thu nhập khoảng 30 triệu đồng từ việc môi giới nhà đất. Ngoài ra, anh cũng nhận thêm công việc san lấp các công trình xây dựng để kiếm thêm.

"Công việc mới khá linh hoạt, không phải chằm chặp ở công sở tối ngày nên mình có thời gian chăm sóc vợ con nhiều hơn, gia đình nhờ vậy cũng vui hơn trước. Do mình có chuyên môn nên thỉnh thoảng cũng phụ giúp anh em kinh doanh bất động sản làm các thủ tục giấy tờ liên quan nên nhìn chung thu nhập khá ổn định. Công việc ở ngoài cũng có lúc khó khăn, áp lực cạnh tranh, thị trường nhưng mình chọn thì mình chấp nhận", anh Lâm cho hay.

Làm cán bộ Thuế ở TPHCM 13 năm, chị Lành hiện có tổng thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng. Chồng chị liên tục khuyên chị nghỉ việc để dành thời gian chăm sóc gia đình và sợ chị Lành "áp lực quá lại sinh bệnh, chết sớm".

"Từ khi hết thời gian thai sản, con cái gần như một tay chồng tôi chăm sóc. Giờ con lớn, cũng một tay chồng đưa đón học hành. Nhiều khi con khóc đòi mẹ đưa đón nhưng tôi cũng đành chịu vì hai mẹ con trái giờ nhau. Có đợt, chồng đi công tác, gần 18h tôi mới về đón con được, thấy cả lớp chỉ còn mình con đang lủi thủi ở cuối lớp, tôi xót lắm, áy náy mãi", nữ cán bộ thuế nói.

Chị Lành cho hay, may phước chị gặp được một người chồng hiểu chuyện nên gia đình lâu lâu mới xảy ra "sóng ngầm". Nếu chồng không hiểu cho tính chất công việc của chị, có lẽ gia đình đã tan nát từ lâu.

 *Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật