Giá xăng giảm, giá hàng hóa ở miền núi Tây Bắc có hạ nhiệt?

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi giá xăng giảm 4 đợt liên tiếp, nhiều mặt hàng đã tăng giá theo giá xăng vẫn chưa hạ nhiệt khiến người tiêu dùng Tây Bắc không khỏi băn khoăn.
Giá xăng giảm, giá hàng hóa ở miền núi Tây Bắc có hạ nhiệt?
Giá hàng hóa, thực phẩm vẫn đứng im khiến người dùng Tây Bắc không khỏi băn khoăn. Ảnh: Lê Hạnh

So với cuối tháng 6.2022, hiện nay, giá xăng, dầu đã giảm từ 6.000 đến trên 7.000 đồng/lít. Giá xăng, dầu giảm mạnh là tín hiệu đáng mừng với người tiêu dùng Tây Bắc với tâm lý ngóng chờ giá các loại mặt hàng giảm theo, tuy nhiên, ngược chiều giá xăng, giá hàng hóa, thực phẩm vẫn đứng im.

Những ngày đầu tháng 8.2022, có mặt tại các tỉnh miền núi Tây Bắc, theo ghi nhận của PV, mặc dù giá xăng dầu đã giảm xuống mức "dễ thở", tuy nhiên, giá các loại thực phẩm và mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng theo xăng trước đó vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến người tiêu dùng từ thành phố đến các vùng núi cao vẫn phải cân đong đo đếm từng đồng. 

Nhanh tay lựa chọn những thực phẩm tươi ngon tại khu chợ gần nhà, chị Bùi Ngọc Mai (phường Chiềng Lề, TP.Sơn La) cho biết: "Từ khi giá xăng tăng, từ thực phẩm hàng ngày, đồ khô cho đến nhu yếu phẩm sinh hoạt cũng tăng theo. Để đảm bảo cuộc sống cho ba mẹ con, tôi đã phải thắt chặt các khoản chi tiêu, giảm tối đa các khoản chi mới tạm ổn". 

Giá các loại thực phẩm và mặt hàng thiết yếu ở Tây Bắc vẫn chưa hạ nhiệt.

Theo chị Mai, không chỉ tăng giá các loại nhu yếu phẩm, mà giá xe khách cũng tăng theo xăng và chưa có dấu hiệu ổn định trở lại.

"Tôi cũng thường xuyên phải qua lại giữa Hà Nội - Sơn La bằng xe khách, giá vé hồi tháng 6 đã tăng từ 250.000 đồng/lượt lên 300.000 đồng/lượt khiến chi phí đi lại tăng lên gấp nhiều lần. Nay giá xăng đã giảm nhưng giá vé vẫn vậy" - chị Mai bộc bạch. 

Trao đổi với PV, bà Đỗ Bích Thuận, chủ nhà xe Ngọc Thuận, Công ty cổ phần Xe khách 2/9 Sơn La chia sẻ: "Sau 2 năm lao đao bởi dịch COVID-19 và nhiều lần xăng tăng giá, doanh nghiệp vận tải cũng đã rất khó khăn để "hồi sinh". Hiện nay, tuy giá xăng đã giảm nhưng chi phí vận hành vẫn tăng, giá vé như hiện nay mới chỉ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động".

Giá cả vẫn cao khiến các khu chợ vốn nhộn nhịp nay trở nên vắng vẻ. (Ghi nhận tại chợ Chiềng An, phường Chiềng An, TP.Sơn La)

"Khi giá xăng ở đỉnh trên 30.000 đồng/lít thì chi phí cho mỗi chuyến xe chặng Sơn La - Hà Nội mất 14 triệu đồng. Hiện, xăng dầu giảm thì phần chi phí nhà xe chỉ giảm được 1 triệu đồng mỗi chuyến. Chưa kể lượng khách không ổn định, nhiều chuyến nhà xe phải bù lỗ" - bà Thuận giãi bày. 

Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Lan Hương - Trưởng phòng Quản lý thương mại - Hợp tác quốc tế, Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay, giá của các loại thực phẩm và mặt hàng, dịch vụ thiết yếu vẫn chưa giảm mặc dù giá xăng đã liên tiếp được điều chỉnh xuống.

Tuy nhiên, việc giá thành sản phẩm không chỉ liên quan đến xăng dầu mà còn phụ thuộc vào giá nguyên liệu sản xuất, vận chuyển cùng nhiều chi phí khác. 

Theo bà Hương, Sở đã có văn bản gửi các huyện, thành phố và các doanh nghiệp đề nghị các đơn vị căn cứ theo tình hình thực tế để điều chỉnh, bình ổn giá cả cho phù hợp. 

"Đồng thời, Sở Công thương tỉnh Sơn La cũng phối hợp với các Sở, ngành, huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái Pháp Luật" - bà Hương nói thêm. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật