5 nhóm thách thức doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong nửa cuối 2022

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu 5 nhóm thách thức hiện rõ trong nửa cuối năm 2022.
5 nhóm thách thức doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong nửa cuối 2022
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo ông Dũng, qua tổng hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cho thấy các tháng cuối năm 2022 dự kiến tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và thể hiện ở 5 nhóm vấn đề.

Đầu tiên là giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Cụ thể, giá thành gói thầu xây dựng tăng từ 18-30% theo từng thời điểm; chi phí logistics tăng cao từ 3 - 5 lần. Trong quý II/2022, mức độ tăng về chi phí của doanh nghiệp cao hơn mức độ tăng về doanh thu.

Tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành và địa phương cũng là thách thức. Đồng thời, quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp do phải tăng các khoản chi phí được tính tỷ lệ theo lương trong khi giá bán không thể thay đổi đối với đơn hàng đã ký kết, đặc biệt đối với những ngành sử dụng nhiều lao động.

Việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp.

Ngoài ra là biến động bất lợi ở cả phía cung và cầu. Một số ngành hàng đang xảy ra tình trạng cung linh kiện không đủ phục vụ cho sản xuất, trong khi ở một số ngành khác như dệt may, dự báo đến tháng 9, tháng 10 năm nay tình trạng thiếu đơn hàng sẽ ngày một gia tăng do sức mua của các thị trường nước ngoài giảm mạnh, hàng tồn không bán được, các nhãn hàng trên thế giới không ký đơn hàng mới.

Cuối cùng, một số vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh như: nhiều dự án đầu tư ở địa phương chưa triển khai được do các thủ tục liên quan kéo dài nhiều năm; quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang còn nhiều bất cập...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất hàng loạt biện pháp trong ngắn và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, đáng chú ý là tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Nghiên cứu triển khai hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của giá xăng dầu như hỗ trợ ngư dân bám biển, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, người có thu nhập thấp.

Khẩn trương công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo tháng, phù hợp với diễn biến thị trường; nghiên cứu áp dụng mức giá bán lẻ điện phù hợp đối với "cơ sở lưu trú du lịch" để hỗ trợ phục hồi.

Theo ông Dũng, nền kinh tế Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực trong tháng 7, thể hiện ở việc số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh; Thị trường của doanh nghiệp đặc biệt là thị trường nội địa trong một số ngành phục hồi trên 75-85% so với thời điểm trước dịch bệnh COVID-19; Doanh thu trong 2 quý đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch.

Điển hình là thị trường du lịch và vận tải hàng không nội địa phục hồi tương ứng là gần 100% và 85%; Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật