Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh và số phận long đong 20 năm nhiều sự cố

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ khi đưa vào khai thác vào năm 2002, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh có số phận khá long đong khi nhiều lần xảy ra các sự cố.
Cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh và số phận long đong 20 năm nhiều sự cố
Ảnh minh họa

Cầu Vượt Nguyễn Hữu Cảnh dài hơn 600m rộng 13 m, trọng tải 30 tấn, hình dáng như một cây cung. Cầu nằm ở cửa ngõ phía Đông thành phố, từ đường Điện Biên Phủ qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh theo tuyến đường cùng tên vào nội đô.

Công trình do Công Ty TNHH MTV dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, công trình hoàn thành năm 2001, đưa vào sử dụng năm 2002 cùng với tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Tuy nhiên, dự án này bị nhiều tai tiếng khi vừa đưa vào khai thác đã xuất hiện tình trạng lún, hư hỏng ở cầu vượt lẫn đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh từ đoạn giao với đường Điện Biên Phủ đến cầu Thủ Thiêm trở thành một trong những điểm ngập nặng nhất trên địa bàn thành phố trong những ngày mưa và triều cường nên được mệnh danh là “rốn ngập” của thành phố.

Giữa năm 2016, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh cũng hư hỏng nặng, phần tường gạch khoang giữa các trụ bị nứt gãy, đổ sụp... Nghiêm trọng nhất, trụ T23 của cầu bị nứt, tách rời khỏi phần dầm phía trên. Thành phố sau đó phải chi hơn 12 tỷ đồng để sửa chữa.

Việc thiết kế trụ cầu Nguyễn Hữu Cảnh có hình dạng "chân Nai" thời điểm cuối thế kỷ 20 được cho là tạo một điểm nhấn khác lạ ở cửa ngõ thành phố so với các cầu hiện hữu thường có hình trụ đứng.

Thành phố duyệt chi hơn 12 tỷ đồng sửa chữa hư hỏng cầu Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 2016. Đồng thời lắp đặt máy bơm có công suất lên đến 97.000m3 mỗi giờ, bơm nước từ đường Nguyễn Hữu Cảnh ra sông Sài Gòn. Hợp đồng thuê máy bơm có thời hạn 7 năm (giá thuê 171 tỷ đồng) được ký từ năm 2017 đến hết năm 2023.

Năm 2020 thành phố triển khai dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh vốn đầu từ 473 tỷ đồng và hoàn thành vào tháng 4/2021. Tuyến đường dài hơn 3 km từ giao lộ Tôn Đức Thắng đến cầu Sài Gòn được thông xe. Mặt đường được trải nhựa, làm dải phân cách ngăn làn. Vỉa hè hai bên hoàn thiện cùng đồng bộ lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh.

Mọi chuyện tưởng đã yên ổn thì tháng 9/2022, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) phát hiện cáp dự ứng lực ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị đứt. Cáp dự ứng lực là những bó dây trợ lực, hỗ trợ kết nối các khối bê tông với nhau, sử dụng nhiều trong các công trình xây dựng, giúp giảm tác động từ bên ngoài. Kết cấu nhịp chính của cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh có 4 bó cáp dự ứng lực đặt ngầm ở độ sâu 1,8-1,9 m. Trong phạm vi này còn có hệ thống thoát nước ở dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh cắt ngang. Khi đào thăm dò, cơ quan chức năng phát hiện bó cáp dự ứng lực của cầu bị đứt tại nơi giao cắt với cống hộp của hệ thống thoát nước.

Theo Sở GTVT TP.HCM, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh được giao Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố để làm dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh từ tháng 10/2020. Đến nay, công trình chưa bàn giao lại, vì vậy Ban này phải chịu trách nhiệm về sự cố công trình.

Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và phục công tác sửa chữa cầu, từ 18h45 ngày 29/9, Sở GTVT TP.HCM có thông báo cấm tất cả phương tiện lưu thông qua cầu. Thông báo không nêu việc cấm kéo dài trong bao nhiêu ngày.

Đường dẫn lên cầu luôn có lực lượng chức năng phân luồng điều tiết giao thông.

Tối 29/9, Sở GTVT TP.HCM ra thông báo khẩn cấm tất cả phương tiện qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh.

Từ lúc đưa vào khai thác năm 2002, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh và tuyến đường cùng tên liên tục sụt lún. Cầu và đường đều được nâng cấp sửa chữa với kinh phí gần 500 tỷ đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật