Những kinh nghiệm hay giúp dân biển Quảng Nam trụ vững trong “siêu bão”

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chứng kiến cơn bão số 4 (bão Noru) càn quét qua Philippines, tàn phá Thủ đô Manila, người dân miền Trung của nước ta xem đó là bài học xương máu để nâng cao cảnh giác và nhiều người dân đã có những sáng tạo trong cách chống bão, sống chung với bão....
Những kinh nghiệm hay giúp dân biển Quảng Nam trụ vững trong “siêu bão”
Ảnh minh họa

... Sau khi bão tan, tôi quay lại các làng chài đã đi qua để kiểm chứng về cách thức chống bão của bà con nơi đây hiệu quả đến đâu và những kinh nghiệm tại đây cần được phổ biến cho người dân sống ở những vùng thường xuyên phải hứng chịu thiên tai.

Rời nhà đi tránh trú

Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, chúng tôi tới làng bích họa Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) khi trời vừa hửng sáng và những cơn gió vẫn ào ạt thổi. Ngôi làng vắng vẻ, thỉnh thoảng có vài cán bộ địa phương và BĐBP tuần tra để bảo vệ tài sản cho bà con yên tâm đi tránh trú bão. Những ngôi nhà trong làng đều được gia cố, sau đó đóng đinh cố định để gió không thể bật tung cửa. Khi bão lớn ập vào, người dân đều thực hiện đúng phương châm “vườn không, nhà trống”.

Tại các địa bàn ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cũng có khung cảnh tương tự. Từ chiều 27/9, phần lớn người dân ở 2 xã Bình Thạnh và Bình Đông đều được chính quyền và BĐBP vận động tới các điểm tránh trú bão, trong đó có nhà ở của công nhân Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất. Các đồn Biên phòng: Bình Hải, BĐBP Quảng Ngãi; Cù Lao Xanh, BĐBP Quảng Nam đều là nơi để người dân đến tránh trú bão. Đây cũng là dịp những người lính thể hiện tình quân dân với bà con nơi biên giới, hải đảo.

Ông Nguyễn Văn Toàn, ngư dân sống ở làng bích họa Tam Thanh cho biết, đêm 27/9 bão Noru vào và gió rất lớn. Tới gần 3 giờ sáng 28/9 thì bão yên, nhưng sau đó tiếp tục có gió mạnh hơn và người dân miền biển thường gọi là lại nồm. Ông Toàn cảnh báo, người dân ở các vùng nông nghiệp, thành thị thường không rành chuyện gió thổi ngược sau bão, nếu chủ quan chạy ra ngoài, hoặc vội vã trèo lên mái nhà sửa chữa thì sẽ bất thần bị gió cuốn, rất nguy hiểm đến tính mạng. Việc chèn chống nhà cửa cũng phải chú trọng cả 2 hướng gió thì ngôi nhà mới không bị bay mái, bị sập khi gió thổi ngược.

Cẩu giàn thép lên mái nhà

Trong đêm 27, rạng sáng 28/9, ông Huỳnh Ngọc Dưỡng và gia đình sang tránh bão tại nhà con rể ở xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Thấp thỏm nghe những tiếng rít lớn từ cơn bão Noru, những người đi trú bão lo ngại “ngày mai quay về biết có còn nhà không”. Riêng ông Dưỡng thì vẫn tin tưởng vào cách chống bão của mình sẽ giúp ngôi nhà còn nguyên vẹn.

Ngôi nhà của ông được xây dựng cách đây hơn 20 năm, kết cấu móng nhà chỉ lót vài lớp đá, tường xây dựng theo kiểu nhà cấp 4, không có các trụ bê tông chịu lực. Tuy nhiên, suốt mấy chục năm sống ở miền biển, ông biết cách “chơi” với nhiều cơn bão lớn mà nhà không hề hấn gì. Trước tiên đó là làm sao đừng để gió lùa mạnh vào nhà. Nếu chỉ cần cửa sổ đóng không kỹ, hoặc các mí tôn có độ hở lớn thì gió biển giống như quỷ dữ sẽ tàn phá ngôi nhà.

Sáng 28/9, gia đình ông Dưỡng trở về nhà và mọi người thở phào nhẹ nhóm khi toàn bộ mái tôn còn nguyên, trong khi các nhà bên cạnh bị bật nóc, xé tôn, bay ngói. “Làm kiểu ni sao mà bật nổi, bao nhiêu cơn bão rồi, mình có kinh nghiệm và ráng làm siêng chút chút là giữ được tài sản” - ông Dưỡng chia sẻ.

Cái từ “chút chút” theo tiếng địa phương của ông Dưỡng, nhưng khi ông kể ra thì là cả một sự kỳ công để bảo vệ ngôi nhà trước cơn cuồng phong của bão. Từ khi nghe bão Noru có sức tàn phá như siêu bão Haiyan, ông Dưỡng đã cùng người con trai mua về 2 giàn lan can bằng sắt, sau đó ngáng trên mái tôn và buộc vít chặt 2 đầu xuống đất. Công việc này phải mất tới 2 ngày mới xong.

Để các mí tôn được ép chặt xuống, ông Dưỡng mang bao nilon lồng trong bao tời, sau đó bơm nước vào và đặt hơn 30 túi nước dọc thành mái nhà, bên cạnh đó là đặt các thùng xốp chứa nước. Nhiều người chặn mái nhà bằng túi nilon bơm nước, còn ông lồng cả 2 lớp rất kỹ để túi nước không bị cành cây rơi xuống làm bục nước ra ngoài.

Chạy đua giữ nhà

Ngày 26/9, khi cơn bão Noru sắp ập vào đất liền, trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh, trong đó có cả những hình ảnh về những vật nặng được người dân ở vùng biển miền Trung chất trên nóc nhà. Có người mang toàn bộ nồi, chậu, thùng đặt lên mái tôn, sau đó đổ đầy nước để tạo sức nặng chống mái tôn bị gió thổi. Ở làng chài thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bà con còn sáng tạo ra vật nặng chặn trên mái bằng cách xếp các rổ đựng cá, sau đó bơm nhiều túi nước đặt vào các rổ này.

Ông Huỳnh Ngọc Dưỡng (bên trái) chèn chống ngôi nhà của mình rất kỹ nên an toàn trước cơn bão. Ảnh: Văn Chương

Tại làng bích họa Tam Thanh, có khá nhiều ngôi nhà cấp 4 đã được xây dựng cách đây khoảng 30 năm. Khi bão sắp đổ bộ thì cũng có gia đình cẩu luôn vài vật dụng to như vại nước đặt trên mái nhà. Bà con ở làng bích họa Tam Thanh kể lại, khi có tin bão, nhiều người phập phồng, cầu mong bão sẽ né bờ, đi dạt sang vùng khác giống như siêu bão Rai trong năm 2021, nhưng rồi bão vẫn vào, nên phải cứu nhà theo kiểu có gì nặng thì đặt lên mái nhà.

Bên cạnh việc đặt vật nặng, chủ những ngôi nhà ở sát bờ biển làng bích họa Tam Thanh còn giúp ngôi nhà chống chịu bằng cách sử dụng dây nilon phi 20 gia cố mái nhà rồi buộc xuống các cọc dưới đất; có một số ít gia đình trải lưới đánh cá (loại lưới trũ mắt dày) lên mái ngói. Sau khi bão tan thì hầu hết những ngôi nhà này đều không bị bay mái và ngôi nhà đảm bảo an toàn.

Việc khóa cứng các cửa sổ, cửa ra vào, tránh bị gió lùa vào nhà và dỡ tung mái thường được nhiều bà con dùng cây gỗ nẹp và đóng đinh. Nhưng gia đình anh Huỳnh Đình Quý ở làng bích họa Tam Thanh chèn chống thêm cây sắt và chân đế các cọc sắt này được chặn các chậu xi măng trồng hoa. Anh Quý cho biết, mấy chục năm nay, anh làm cách đó mà ngôi nhà không bị gió lùa làm bay mái, vừa bảo vệ nhà, vừa giữ bức tranh bích họa lớn vẽ kín bức tường bên hông.

Sáng sớm 28/9, phóng viên Báo Biên phòng có mặt tại làng bích họa Tam Thanh và chứng kiến những ki ốt bằng tôn bay ra nằm giữa đường, những lều quán quây bằng tôn trở thành đống sắt vụn nằm quấn vào nhau. Bên cạnh đó là những ngôi nhà bị tốc mái, nước mưa làm hư hỏng nhiều tivi, đồ đạc khác. Phần lớn các ngôi nhà này đã không chèn chống, không đè thêm vật nặng lên mái.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật