Đà Nẵng: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch biển

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngành du lịch Đà Nẵng đang từng bước hình thành các sản phẩm du lịch biển theo định hướng phát triển du lịch biển định hướng bãi biển đô thị đẳng cấp hiện đại gắn liền với dịch vụ đẳng cấp và các sự kiện du lịch quy mô.
Đà Nẵng: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch biển
Đà Nẵng là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển.

Phóng viên Infonet đã có buổi phỏng vấn với ông Nguyễn Minh Hải, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (Sở Du lịch TP Đà Nẵng) về vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào với tiềm năng phát triển du lịch biển Đà Nẵng?

Ông Nguyễn Minh Hải: Là một trong những đô thị lớn của cả nước, Đà Nẵng hội tụ nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và con người là những yếu tố then chốt đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến hàng đầu hiện nay đối với du khách trong nước và quốc tế.

Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, Đà Nẵng được ban tặng tổ hợp những tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn và những giá trị lịch sử hiếm có như: tài nguyên biển, rừng, cảnh quan, di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống, lễ hội… Một trong lợi thế lớn của Đà Nẵng chính là bờ biển dài 90km với nhiều bãi biển cát trắng mịn, sóng nước ôn hòa, nước ấm quanh năm, không sâu và có độ an toàn cao như: bãi biển Mỹ Khê (một trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh do Tạp chí Forbes bình chọn), bãi biển Phạm Văn Đồng, bãi tắm Non Nước,… kết hợp với những loại hình du lịch thể thao biển, tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn, làng đá mỹ nghệ, các khu nghỉ dưỡng sang trọng…Với những điều kiện thuận lợi như vậy, có thể nói Đà Nẵng là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển.

Theo ông, Đà Nẵng đã khai thác được các tiềm năng vốn có của du lịch biển cả trên bờ và dưới mặt nước chưa?

Ông Nguyễn Minh Hải: Với lợi thế này, ngành du lịch thành phố chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, thu hút nguồn khách.

Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức quản lý và khai thác du lịch biển của thành phố còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế sẵn có của tài nguyên du lịch biển. Một số vướng mắc, trở ngại như chưa có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch biển tương xứng với tiềm năng du lịch biển Đà Nẵng, đặc biệt là 2 tuyến biển Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa và Nguyễn Tất Thành. Cơ sở hạ tầng, trang trí cảnh quan, tiện ích công cộng, cơ sở dịch vụ du lịch đã bắt đầu xuống cấp và chưa đồng bộ.

Hoạt động chèo SUP trên bãi biển Đà Nẵng thu hút giới trẻ

Các cá nhân kinh doanh dịch vụ bãi biển đa số là người dân địa phương buôn bán nhỏ lẻ trên bãi biển trước đây được bố trí sắp xếp theo đề án 1584. Do đó, về tư duy, nhận thức kinh doanh du lịch, năng lực tài chính còn hạn chế, khó có thể đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế trong thời gian đến, rất cần thiết phải thay đổi mô hình hoạt động.

Đối với các đơn vị khai thác thể thao giải trí biển đang hoạt động tại các vị trí đón trả khách tạm, hiện nay các đơn vị chưa đảm bảo các biện pháp an toàn trong hoạt động và phải tạm dừng hoạt động, do gặp khó khăn về thủ tục pháp lý trong việc lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục chấp thuận, công bố vùng hoạt động theo Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 của Chính phủ về quản lý các phương tiện hoạt động vui chơi giải trí dưới nước.

Ngoài ra, các hoạt động lướt ván, ván chèo đứng (SUP) là những hoạt động thể thao mới du nhập nước ta đang có xu hướng phát triển mạnh, trong khi chưa có văn bản chủ trương hướng dẫn quản lý của Trung ương.

Vì vậy để đảm bảo an toàn, tạo sản phẩm du lịch, BQL đưa vào quản lý tạm thời đối với 2 loại hoạt động này, trong đó BQL thực hiện tăng cường công tác quản lý, giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước tại các bãi biển du lịch; trong đó, tổ chức triển khai lắp đặt các biển cảnh báo tuyên truyền và cử lực lượng nhắc nhở du khách, người tham gia ký cam kết và đảm bảo các biện pháp an toàn đối với các hoạt động ván chèo đứng, lướt ván.

Để thu hút du khách, Đà Nẵng đã có những sản phẩm du lịch biển nào mới lạ, hấp dẫn?

Ông Nguyễn Minh Hải: Hiện nay sản phẩm du lịch của Đà Nẵng hiện khá đa dạng, tập trung vào một số nhóm sản phẩm chính như: nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển bao gồm các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng từ thấp cấp với dịch vụ lưu trú của hệ thống các khách sạn từ 1-3 sao; nhóm dòng sản phẩm cao cấp tại các khu nghỉ dưỡng 4-5 sao. Hệ thống các cơ sở lưu trú này tập trung chủ yếu dọc theo dải bờ biển từ Sơn Trà đến khu nghỉ dưỡng giáp Quảng Nam và dải ven biển vịnh Đà Nẵng dọc theo đường Nguyễn Tất Thành.

Đà Nẵng đang tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch mới để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch biển

BQL đã đầu tư cũng như đưa vào hoạt động một số các sản phẩm du lịch như: dịch vụ giải khát, thể thao giải trí biển, checkin bãi biển, sự kiện và teambuiding, các dịch vụ tại khu vực bãi biển đêm Mỹ An,....

Trong các mùa cao điểm, BQL định kỳ tổ chức Chương trình “Khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng”, “Đà Nẵng – Điểm hẹn mùa hè” với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn. Bên cạnh đó, BQL phối hợp, hỗ trợ các đơn vị tổ chức một số sự kiện lớn như: IRONMAN Việt Nam, Countdown Party, các chương trình quảng bá sản phẩm, các cuộc th‌i th‌ể thao,...

Năm 2022, BQL đã đưa một số sản phẩm dịch vụ mới vào khai thác tại khu vực bãi biển Mỹ An như: dịch vụ massage trị liệu; Xe lưu động (Food Truck); Các điểm trang trí, check-in dọc bãi biển Mỹ An; chiếu phim trên bãi biển, Sân khấu biểu diễn nghệ thuật; kết nối với các khu dịch vụ bãi biển Holiday Beach, Dana Beach hình thành nên chuỗi các khu dịch vụ giải trí biển cùng với khu phố đêm An Thượng, tạo nên tổ hợp phố du lịch Mỹ An – An Thượng sôi động ban ngày lẫn ban đêm.

BQL cố gắng đạt được mục tiêu biển Đà Nẵng là điểm đến “an toàn, văn minh, hấp dẫn”, với nhiều sản phẩm du lịch biển phục vụ du khách.

Việc triển khai các đề án để thúc đẩy du lịch biển đã được ngành du lịch Đà Nẵng tiến hành đến đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Hải: Hiện nay, một số các đề án liên quan đến du lịch biển: "Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái"; "Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô"; "Quản lý và khai thác các bãi biển du lịch tuyến đường Nguyễn Tất Thành" được BQL và các ngành chức năng có liên quan khẩn trương triển khai và đưa vào hoạt động tại các bãi biển du lịch Đà Nẵng.

Trong đó, theo đề án "Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang- Mân Thái" sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch như dịch vụ cà phê, bar, massage truyền thống, ẩm thực bãi biển, hàng lưu niệm; dịch vụ thử làm ngư dân; chụp ảnh check-in; khu vực tổ chức sự kiện, sinh hoạt cộng đồng; dịch vụ thể thao giải trí biển, lặn ngắm san hô. Bên cạnh đó, đề án "Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô” hướng tới việc hình thành nhóm dịch vụ trải nghiệm bình minh, hoàng hôn vịnh Nam Ô trên thuyền thúng, tắm biển, chụp ảnh và đi bộ, tham quan ghềnh Nam Ô…

Hiện nay, thành phố đang triển khai xây dựng quy hoạch ý tưởng cảnh quan tuyến biển do đơn vị tư vấn thiết kế quy hoạch kiến trúc của Pháp để tiếp tục hoàn thiện về thiết kế cảnh quan tuyến biển, các tiện ích bãi đỗ xe, vịnh đậu xe, cây xanh vỉa hè và dưới bãi cát, các điểm nhấn, biểu tượng kiến trúc cảnh quan đô thị ven biển, bến du thuyền và các công trình dịch vụ du lịch dọc tuyến...

Đề án quản lý và khai thác tại các bãi biển thuộc tuyến đường Nguyễn Tất Thành tập trung phát triển các dịch vụ du lịch, quy hoạch bãi tắm đêm, đầu tư nâng cấp các khu nhà tắm nước ngọt, bố trí các điểm vui chơi giải trí biển tại bãi tắm Liên Chiểu và bãi tắm Nam Ô, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng…

Trong thời gian chờ phê duyệt đề án, BQL sẽ đề xuất triển khai thí điểm các cụm dịch vụ du lịch, dự kiến 4 cụm tại khu vực quận Liên Chiểu và 4 điểm tại khu vực Xuân Hà – quận Thanh Khê. Với những giải pháp và triển khai các bước quy hoạch và Đề án, từng bước góp phần làm cơ sở và động lực để phát triển du lịch biển tuyến Nguyễn Tất Thành phát huy tiềm năng du lịch của vịnh Đà Nẵng.

Vậy định hướng phát triển du lịch biển Đà Nẵng trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Hải: Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của du lịch biển, ngành du lịch thành phố cũng đang từng bước hình thành các sản phẩm du lịch biển theo định hướng phát triển du lịch biển định hướng bãi biển đô thị đẳng cấp hiện đại gắn liền với dịch vụ đẳng cấp và các sự kiện du lịch quy mô. Tập trung các phân khúc thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng biển từ trung bình đến cao cấp, du lịch MICE, du lịch văn hóa, thể thao.

Song song đó, nhanh chóng triển khai các đề án liên quan đến du lịch biển. Các đề án này đều tập trung vào hình thành nên các sản phẩm du lịch, tạo sự đa dạng hấp dẫn cho du lịch thành phố, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thể để thúc đẩy kinh tế biển của Đà Nẵng trong những giai đoạn tới. Tập trung vào thị trường khách chuyên sâu, đẩy mạnh phát triển thương hiệu bãi biển.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật