Gần 400 khu công nghiệp, 7 triệu lao động nhưng chưa có mô hình quản lý sức khỏe đặc thù

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo PGS-TS Doãn Ngọc Hải, viện trưởng viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động là khám và quản lý chứ không hẳn là khám và điều trị bệnh.
Gần 400 khu công nghiệp, 7 triệu lao động nhưng chưa có mô hình quản lý sức khỏe đặc thù
Công nhân mỗi ngành nghề có bệnh nghề nghiệp riêng, cần được quản lý và chăm sóc phù hợp. Ảnh minh họa Viết Niệm.

Sáng 8/12, tại hội thảo thực trạng y tế lao động khu công nghiệp, PGS-TS Doãn Ngọc Hải cho biết, hiện cả nước có gần 400 khu công nghiệp, với khoảng 7 triệu lao động, nhưng đến nay vẫn thiếu mô hình y tế lao động để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ công nhân, người lao động. 

Theo, PGS Hải, các doanh nghiệp hiện nay mới chăm sóc sức khỏe cho người lao động theo hình thức "tự phát" nhỏ lẻ. Trong đó phổ biến là các doanh nghiệp thuê một cơ sở y tế khám sức khỏe định kỳ, khám tổng quát cho người lao động mỗi năm 1 lần. 

Tuy nhiên, thưc tế mỗi khu công nghiệp, mỗi ngành nghề có bệnh nghề nghiệp đặc thù cần phải được khám chuyên sâu. 

"Việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động là khám và quản lý chứ không hẳn là khám và điều trị bệnh. Nhất là việc khám các bệnh nghề nghiệp còn đòi hỏi có chuyên gia và phương tiện đặc thù. 

Với yêu cầu về chăm sóc sức khỏe cho người lao động hiện nay rất cần có mô hình y tế lao động trong khu công nghiệp để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người lao động"- PGS Hải nhấn mạnh. 

TS Nguyễn Đình Trung, Trưởng khoa bệnh nghề nghiệp, viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng cho rằng, việc quản lý, chăm sóc sức khỏe đúng cho người lao động sẽ hạn chế được các sự cố y tế xảy ra ở khu công nghiệp như bệnh nghề nghiệp, dịch bệnh, ngộ độc tập thể... 

Theo TS Trung, người lao động là nguồn lực phát triển của mỗi doanh nghiệp, cần được chăm sóc sức khỏe để bảo vệ nguồn lực này. Vì vậy, cần có chính sách cụ thể để tạo điều kiện cho họ thuận lợi hơn trong khám chữa bệnh, đặc biệt là khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính vẫn được thanh toán từ quỹ BHYT. 

Hiện viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đang lấy ý kiến các chuyên gia để đề xuất Bộ Y tế có hành lang pháp lý hướng dẫn hoạt động của mô hình y tế lao động tại các khu công nghiệp.

Khảo sát tại 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung ở 3 tỉnh/thành công nghiệp là Hà Nội, Đà Nẵng và Bình Dương cho thấy, 70% cơ sở sản xuất kinh doanh sẵn sàng hoặc rất sẵn sàng sử dụng dịch vụ nếu có đơn vị chăm sóc y tế trong khu công nghiệp. 30% số cơ sở còn lại cho rằng, cần tham khảo trước khi đưa ra quyết định lựa chọn dịch vụ y tế tại khu công nghiệp.

Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 28.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp do phơi nhiễm với các nguồn độc hại trong quá trình làm việc. Trong 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, bệnh bụi phổi chiếm tỉ lệ cao nhất (khoảng 74%).

Đối với các ngành nghề tiếp xúc với các chất độc hại nguy hiểm, doanh nghiệp phải có trách nhiệm tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động ít nhất 6 tháng/lần. 

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng về tầm quan trọng của khám bệnh nghề nghiệp. Tổng số người lao động đi khám hằng năm 2011-2017 tăng gấp 1,7 lần 2006-2010, nhưng chỉ chiếm khoảng 20% người lao động đang có hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, nhiều người lao động cũng có xu hướng “giấu bệnh” chính vì chưa thực sự hiểu rõ về quyền lợi của mình. Họ lo ngại bị xa lánh và ảnh hưởng đến nguồn chi tiêu chính của gia đình. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật