Kỳ lạ World Cup 2022: Đá phạt đền quá khó, đến Messi, Lewandowski cũng thất bại

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Điều kỳ lạ đang xảy ra tại World Cup 2022 khi có gần một nửa số cú sút từ chấm đá phạt 11 mét không thành bàn thắng.
Kỳ lạ World Cup 2022: Đá phạt đền quá khó, đến Messi, Lewandowski cũng thất bại
Thủ môn ĐT Maroc - Yassine Bounou cản phá cú đá luân lưu trong trận đấu với Tây Ban Nha (Ảnh: ESPN)

Kết thúc vòng 1/8 World Cup 2022, World Cup 2022 đã có tổng cộng 31 cú đá 11m, bao gồm cả phạt đền lẫn luân lưu. Tuy nhiên khán giả đã chứng kiến tới 13 cú đá hỏng, tương đương 42% tổng số tình huống. Đây là con số đáng ngạc nhiên nếu so với tỉ lệ hỏng ăn chỉ 29% của World Cup 2018.

“Tôi không nghĩ đá luân lưu là trò may rủi. Nó đòi hỏi các kỹ năng cụ thể, và nếu bạn tập luyện thường xuyên thì kỹ năng đó sẽ cải thiện”, Luis Enrique - HLV trưởng ĐT Tây Ban Nha nói. Ông cho biết mình đã yêu cầu các tuyển thủ Tây Ban Nha tập đá phạt đền 1.000 lần ở CLB trước khi tập trung cho World Cup 2022.

Nhưng rốt cuộc ĐT Tây Ban Nha vẫn bị loại trên chấm luân lưu trước ĐT Maroc. Thậm chí đội bóng của HLV Luis Enrique còn đá hỏng trong 3 loạt đầu. Pablo Sarabia sút trúng cột, trong khi Carlos Soler và Sergio Busquets bị thủ môn Yassine Bounou cản phá.

Trước đó, ĐT Nhật Bản cũng thất bại trong loạt luân lưu trước ĐT Croatia. Nhiều người cho rằng vấn đề của đại diện châu Á là họ quá non kinh nghiệm trước loạt luân lưu nên mới đá hỏng, nhưng điều đó không đúng với trường hợp của các cầu thủ Tây Ban Nha. Ngoài ra, những cầu thủ lừng danh như Robert Lewandowski và Lionel Messi cũng hỏng ăn trên chấm 11m tại kỳ World Cup này.

Lionel Messi đá hỏng phạt đền trong trận đấu Argentina - Ba Lan (Ảnh: The Athletic)

Bên cạnh đó, các thủ môn ngày càng cải thiện khả năng bắt phạt đền. Năm 1966, tỉ lệ thủ môn cản phá thành công các cú đá 11m là 17%, tuy nhiên con số này đã tăng gấp đôi. Trong 31 tình huống đá phạt 11m tại World Cup 2022, các thủ môn đã cản được 11 lần – tương đương 35%.

Theo Daily Mail, nguyên nhân giúp thủ môn ngày nay bắt phạt đền tốt hơn là bởi họ có xu hướng đợi đối thủ hành động trước rồi mới phản xạ.

“Các tình huống đá 11m ngày nay thường đi theo xu hướng là cầu thủ đợi thủ môn chuyển động trước rồi mới sút về phía bên kia. Tuy nhiên nếu chúng tôi có thể tập luyện, giúp các thủ môn giữ vị trí để đợi cầu thủ hành động trước thì khả năng cản phá sẽ cao hơn”, một HLV thủ môn đang làm việc tại giải hạng Hai của Anh nói.

HLV Luis Enrique yêu cầu học trò tập đá phạt đền 1000 lần trước World Cup 2022, nhưng họ vẫn đá hỏng (Ảnh: ESPN)

Ngoài ra, Chris Sutton – cựu tiền đạo Blackburn Rovers, Chelsea và Celtic cho rằng lực sút cũng ảnh hưởng tới tỉ lệ thành công của các cú sút 11m, bởi 13 tình huống hỏng ăn tại World Cup 2022 tính tới lúc này phần lớn là những cú đá chìm với lực vừa phải.

“Có lẽ vài chiêu trò cũ sẽ có ích. Nếu không có tâm lý thoải mái thì nguy cơ đá hỏng rất cao. Cá nhân tôi thường cúi xuống buộc dây giày nếu cảm thấy không chắc chắn khi đứng trước tình huống phạt đền. Thế mà đã có lần tôi bị trượt chân và đá hỏng tại Chung kết Cúp quốc gia Scotland”, Sutton nói.

Tuy nhiên lập luận của cựu tiền đạo này vẫn có lỗ hổng, bởi cú đá quyết định của Achraf Hakimi trong trận đấu giữa ĐT Maroc và ĐT Tây Ban Nha chỉ có vận tốc 53km/h – chậm nhất trong các cú đá 11m tại World Cup 2022 tính tới lúc này.

Cả Luis Enrique và Chris Sutton đều có suy nghĩ của riêng mình khi đứng trước các tình huống phạt 11m, tuy nhiên thực tế tại World Cup 2022 cho thấy không có lý thuyết nào là chắc chắn đúng. Ai cũng có thể đá hỏng một quả phạt đền, bất kể đó là một danh thủ dày dạn kinh nghiệm hay cầu thủ trẻ lần đầu bước ra sân chơi World Cup. Tuy nhiên con số thống kê cho thấy việc đá 11m đang khó hơn bao giờ hết.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật