Du học sinh ngày Tết nấu món truyền thống để vơi nỗi nhớ nhà

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để có một cái Tết xa quê ấm áp, nhiều du học sinh Việt Nam ở Liên bang Nga cùng nhau gói bánh chưng, làm món ăn truyền thống trong ngày Tết.
Du học sinh ngày Tết nấu món truyền thống để vơi nỗi nhớ nhà
Em Nguyễn Thị Hà – Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm quốc gia Matxcova (Liên bang Nga). Ảnh NVCC.

Xoa dịu nổi nhớ nhà bằng món ăn truyền thống

Dẫu đã xa nhà đi học nhiều năm nhưng mỗi lần Tết đến xuân về, nữ du học sinh Nguyễn Thị Hà – Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm quốc gia Matxcova (Liên bang Nga) không khỏi nghẹn ngào, nhớ về những kỷ niệm ngày Tết của mình cùng người thân, bạn bè.

Hà trải lòng: “Đây là năm thứ 4 em đón Tết xa quê những ngày này, người con xa xứ như em rất thèm cảm giác được sum vầy bên gia đình, không khí háo hức đi chợ hoa cùng mẹ, trang trí nhà cửa cùng bố hay đưa mấy đứa em đi chọn những bộ đồ đẹp mặc đầu năm mới….”.

Để vơi đi nỗi nhớ nhà hàng năm, Hà và các bạn của mình sửa soạn, trang trí phòng ký túc xá, chiều ngày 30 Tết cùng nhau làm những món ăn trong ngày Tết như: thịt kho tàu, nem rán, canh măng, phở cuốn...

Hà kể: “Du học sinh chúng em mỗi đứa đến từ một vùng miền khác nhau có người miền Nam, người miền Trung, người miền Bắc. Vì vậy, mỗi năm đón Tết, chúng em cùng nhau tự tay chuẩn bị nguyên liệu và nấu món ăn đặc trưng ngày Tết của mỗi vùng miền.

Trong quá trình nấu, mọi người sẽ kể cho nhau nghe những kỷ niệm ngày Tết, qua đó giới thiệu cách đón Tết ở quê mỗi vùng quê, những phong tục ngày đầu năm mới ra sao và em cũng hiểu hơn về đặc trưng ngày Tết của mỗi vùng miền ở Việt Nam thêm yêu và trân trọng những giá trị truyền thống, nét đẹp văn hoá đó”.

Hà cho biết thêm, du học sinh Việt Nam ở Liên bang Nga khá đông, vì vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về hội sinh viên Việt Nam ở các trường đại học sẽ tổ chức rất nhiều hoạt động như: giao lưu gói bánh chưng, cuộc thi tìm hiểu về ngày Tết Việt Nam…

Thông qua những hoạt động đó, chúng em phải có trách nhiệm giữ gìn cội nguồn, bản sắc riêng của dân tộc và giới thiệu cho bạn bè quốc tế về văn hoá, con người Việt Nam, lan tỏa Tết Việt ra khắp thế giới.

“Ngày 30 Tết, khi các thành viên gia đình ở quê nhà cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên thì lúc này ở Nga chúng em vẫn còn trên giảng đường. Vì vậy, chiều 30 chúng em sẽ chủ động xin giảng viên về sớm một vài tiết để nấu nướng, chuẩn bị đón giao thừa (thời khắc giao thừa ở Việt Nam lúc đó ở Nga mới 20 giờ tối). Sau khi đón giao thừa xong, mọi người sẽ đến các phòng chúc Tết nhau…”, Nguyễn Thị Hà – Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Quốc gia Matxcova (Liên bang Nga) chia sẻ.

Vẫn luôn cố gìn giữ nét đẹp, văn hoá truyền thống dù ở xa

Năm 2023 là năm thứ hai cô du học sinh Trần Thảo Nhi – sinh viên khoa Tâm lý – Đại học Sư phạm Quốc gia Matxcova (Liên Bang Nga) đón Tết xa nhà.

Những ngày này, khi theo dõi những chia sẻ của bạn bè ở Việt Nam về không khí cận Tết trên các mạng xã hội hay báo đài đưa tin trong lòng Trần Thảo Nhi không khỏi nghẹn ngào.

Thảo Nhi tâm sự: “Ai đi xa quê mỗi dịp Tết đến đều muốn quay trở về nhà, quây quần bên mâm cơm cuối năm, cùng đón thời khắc giao thừa bên những người thân yêu. Và em cũng vậy, những lúc này, em mong ước thời gian trôi qua thật nhanh để được trở về bên gia đình”.

Thảo Nhi cho biết thêm, du học sinh cũng như cộng đồng người Việt Nam ở Nga đông do vậy hàng năm đều tổ chức hoạt động gói bánh chưng, nấu xôi nếp, muối dưa chua … hay các hoạt động xoay quanh chủ đề Tết.

"Đối với du học sinh, đêm giao thừa chúng em mời các bạn quốc tế đến phòng ký túc xá tham gia đón Tết cùng, qua đó giới thiệu cho họ biết thêm về Tết cổ truyền của Việt Nam qua đó truyền bá những nét văn hoá dân tộc đến bạn bè quốc tế đồng thời gìn giữ những đặc trưng Tết với những người con xa quê hương. Ngày đầu năm mới, chúng em sẽ đến viếng tượng đài Bác Hồ ở thủ đô Matxcova" - Nhi cho biết.

Trần Thảo Nhi (bên phải) – sinh viên khoa Tâm lý – Đại học Sư phạm Quốc gia Matxcova (Liên Bang Nga) cùng bạn của mình. Ảnh NVCC.

Theo Thảo Nhi, dù sống ở xa quê, đón Tết xa quê nhưng bất kể trong tâm thức mỗi người Việt Nam đều hướng về cội nguồn, dẫu cuộc sống mưu sinh, học hành bận rộn thế nhưng ngày cuối năm tất cả đều cố sắp xếp thời gian, cùng ngồi lại để nhìn lại một năm đã qua, nhớ về quê hương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật