Sông Hồng ký sự - Kỳ 3: Trầm tích một khúc sông

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dòng sông Hồng chảy qua Yên Bái dài 120km, uốn lượn qua núi đồi thoai thoải như một dải lụa mềm. Lần này, chúng tôi thay đổi cách tiếp cận bằng cách sắp đặt chuyến đi thưởng lãm với các nhà văn hóa, những người làm công tác khảo cổ ở địa phương để được chứng kiến, chiêm nghiệm về những trầm tích văn hóa quanh “nhân vật” sông Hồng…
Sông Hồng ký sự - Kỳ 3: Trầm tích một khúc sông
Một đoạn của sông Hồng chảy qua Yên Bái

Đền thiêng nơi non nước hữu tình

Từ trung tâm thành phố Yên Bái, chúng tôi vượt gần 75km theo đường tỉnh 151, con đường uốn lượn theo dòng sông Hồng thơ mộng để đến Nhược Sơn ở thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên. Chuyến đi có sự đồng hành của tiến sĩ (TS) Lịch sử Nguyễn Văn Quang, nguyên Giám đốc Bảo tàng Yên Bái và chị Nguyễn Kim Lê, Phó Trưởng phòng Quản lý di tích và danh thắng thuộc Trung tâm Quản lý Di tích và Phát triển Du lịch Yên Bái.

Trên xe, TS. Nguyễn Văn Quang chia sẻ, dọc sông Hồng từ Lào Cai về đến Phú Thọ là nơi hội tụ dấu tích của người Việt cổ từ thời đại đá cũ (thuộc văn hóa Sơn Vi), đến thời kỳ đồng thau và sắt sớm (văn hóa Đông Sơn) cho đến các triều đại phong kiến như nhà Trần, Lê... Và chuyển đi này, chúng tôi sẽ được trải nghiệm hầu như tất cả những trầm tích và di tích đó. Riêng về đền, theo TS. Quang, ven sông Hồng có phong cảnh hữu tình, trên bến, dưới thuyền, rất thơ mộng là nơi đắc địa để đặt các ngôi đền qua các thời kỳ.

Nếu như Lào Cai nổi tiếng với đền ông Hoàng Bảy thì Yên Bái có đền Nhược Sơn, Đông Cuông, Bạch Lẫm, Tuấn Quán…, đều là những ngôi đền đẹp, chứa nhiều sự tích.

Thoáng chốc đã hơn 2 tiếng ngồi trên xe, chúng tôi đã đến đền Nhược Sơn. Ngôi đền được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, nằm nghiêng mình bên ngòi Thác Nhược, mặt hướng ra sông Hồng.

Chị Nguyễn Kim Lê cho biết, Nhược Sơn thờ dũng tướng Hà Chương, một võ tướng thời Trần có công trấn giữ vùng biên cương phía Bắc. Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, tướng Hà Chương đánh đuổi quân Nguyên từ Phú Thọ theo sông Hồng lên Yên Bái. Tới đất Châu Quế Hạ này, ông chiêu mộ thổ binh địa phương, cắm chốt tại ngòi Thác Nhược phục kích quân địch.

Sau một tuần, quân địch lọt vào trận địa mai phục, quân ta từ mọi hướng xông ra phá tan quân địch. Trong lúc quyết chiến, tướng Hà Chương bị thương nặng, hi sinh, được quân sĩ, nhân dân đưa sang sông chôn cất ở cửa ngòi Nhược Sơn này. Cảm kích về công lao, trí dũng của ông, vua Trần xuống chiếu sắc phong cho ông là Bình nguyên Thượng tướng trung dũng hầu; nhân dân lập đền thờ, hương khói quanh năm.

TS. Nguyễn Văn Quang (ngoài cùng bên phải), giới thiệu tiêu bản Thạp đồng Đào Thịnh với Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ảnh: Tiến Hào

Thăm xong ngôi đền thiêng, chúng tôi cuốc bộ xuống bến đò Nhược Sơn. Vừa xuống bến, chiếc đò của anh Nguyễn Văn Trung (35 tuổi, xã Châu Quế Hạ) cũng vừa cập vào. Chúng tôi mở lời nhờ anh Trung chở xuôi sông Hồng một chuyến và anh đã đồng ý.

Lòng sông Hồng ở đây có đoạn cạn róc, nước trong vắt; sông thu lại còn rất nhỏ, kế đó là những bãi cát trắng trải dài. Anh Trung điệu nghệ điều khiển chiếc thuyền máy kêu lạch bạch, lách qua những cồn cát, bãi đá. Hơn 1 tiếng, chiếc thuyền đã đưa chúng tôi đến đền Đông Cuông, tọa lạc tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Chị Kim Lê cho biết, đền Đông Cuông là một đền lớn ở thượng lưu sông Hồng, tồn tại từ lâu đời, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Đền thờ Đệ Nhị thượng ngàn hay còn có các tên gọi khác như Đông Quang công chúa, Bà chúa Đông Cuông, Mẫu Thượng Ngàn, Lê Mại Đại Vương… trong tục thờ Mẫu của người Việt.

Chị Lê cho biết: “Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục”, ngôi đền này thờ Đông Quang công chúa nổi tiếng anh linh, giúp dân lập bản, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh, cứu đói. Vào đời vua Lê Thái Tổ, bà được phong là Lê Mại Đại Vương, sau khi bà phù hộ cho vua Lê đánh tan giặc.

Ngôi đền này cũng được nhân dân thờ người anh hùng Hà Chương và em trai là tướng Hà Đặc vì đã có công lớn đánh đuổi quân Nguyên Mông”.

Dấu tích người Việt cổ

Sau khi hành lễ, chúng tôi lại xuôi sông Hồng, chốc đã đến bến Mậu A (thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên). TS. Quang vừa chỉ tay về bến, vừa kể: “Khu vực mép nước sông Hồng thuộc bến Mậu A có rất nhiều di chỉ mang đặc trưng của văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình. Đây là di chỉ cư trú của con người qua nhiều thời kỳ, song đậm đặc nhất là dấu vết của người thời hậu kỳ đá cũ”.

Tiếp tục cho chiếc thuyền nhỏ xuôi sông Hồng đến địa bàn xã Đào Thịnh huyện Trấn Yên, ông Quang cho hay, năm 1960, một người dân đi đánh cá, thấy bờ sông sạt lở, lộ ra một chiếc thạp đồng lớn. Đó chính là Thạp đồng Đào Thịnh. Đây là một báu vật và nay được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

“Ngoài Thạp đồng Đào Thịnh, ven sông Hồng của Yên Bái còn có Thạp đồng Hợp Minh và trên 40 thạp đồng khác có niên đại khoảng 2.100 năm. Hoa văn trên thạp gần gũi với cách trang trí trên trống đồng Ngọc Lũ. Giữa nắp thạp có hoa văn hình ngôi sao 12 cánh tượng trưng cho hình mặt trời. Xung quanh ngôi sao là các vành hoa văn hình học điển hình của văn hóa Đông Sơn.

Đáng chú ý, mặt thạp còn có đàn chim xòe cánh, mỏ dài bay ngược chiều kim đồng hồ. Điểm nhấn của nắp thạp chính là những khối tượng người đối xứng qua tâm nắp thạp, miêu tả từng cặp trai gái đang giao duyên”, ông Quang cho biết.

Theo TS. Nguyễn Văn Quang, sông Hồng đoạn qua Yên Bái là nơi hội tụ của dòng lịch sử từ thời đại đá cũ cho đến hiện nay. Thời kỳ sớm nhất là văn hóa Sơn Vi - thời hậu kỳ đá cũ, cách đây khoảng 1 vạn năm. Dọc sông Hồng có khoảng 70 địa điểm di tích của văn hóa Sơn Vi. Thời văn hóa Đông Sơn (cuối thời kỳ đồ đồng, đầu thời kỳ đồ sắt) có hàng loạt di tích dọc theo sông Hồng qua Yên Bái như Làng Pha, Mậu Đông, Đào Thịnh, Hợp Minh với trống đồng, thạp đồng. Trong đó, thạp đồng Đào Thịnh, thạp đồng Hợp Minh là bảo vật quốc gia.

Rời Đào Thịnh, chúng tôi đã về đến TP. Yên Bái. Nơi đây có các di tích như chùa Bách Lẫm, đền Tuấn Quán được xây dựng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII.

Những địa điểm này gắn với di chỉ khảo cổ Tuần Quán, đồi Bách Lẫm có dấu vết văn hóa Hòa Bình với niên đại 13 nghìn năm.

Trong chuyến đi thăm đền Tuần Quán và chùa Bách Lẫm, chúng tôi gặp anh Nguyễn Tiến Hòa (Phó Phòng nghiệp vụ, Bảo tàng Yên Bái), người tiếp nối sự nghiệp khảo cổ của bố mình - TS Nguyễn Văn Quang.

Anh cho biết: Di chỉ Tuần Quán được phát hiện vào năm 2001, được khai quật vào năm 2002 và 2019. Quá trình khai quật tại di chỉ Tuần Quán, phát hiện nhóm các công cụ đá được phát hiện tại đây chủ yếu là ghè, có tác dụng như lưỡi dao, hình dạng dẹt một bên hoặc dẹt hai bên, mũi nhọn... Qua nghiên cứu, nhóm công cụ đá ở đây cho thấy, di chỉ được nhận định thuộc văn hóa Hòa Bình. Điều đó càng khẳng định sự hiện diện của người Việt cổ bên cạnh sông Hồng.c

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật