Không chọn phe Nga, chỉ trích “Lục địa già”, quốc gia châu Âu này có sẵn chiến lược đi một mình?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giới lãnh đạo Hungary gần đây không ít lần tạo bất ngờ khi thẳng thừng nói ’không’ với đường lối chung của châu Âu, vốn vạch ra để phản đối Nga và ngăn chặn dòng tiền được cho là sẽ cung cấp cho chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.
Không chọn phe Nga, chỉ trích “Lục địa già”, quốc gia châu Âu này có sẵn chiến lược đi một mình?
Không chọn phe Nga, chỉ trích ‘Lục địa già’, quốc gia châu Âu này có sẵn chiến lược riêng? Trong ảnh, Thủ tướng Viktor Orban và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau tại Điện Kremlin, năm 2018. (Ngu

Budapest liệu đã có chiến lược khác để giành “chiến thắng” trước những khó khăn kinh tế đã và đang bủa vây, trong đó, có cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu?

Ai trả giá cho cuộc xung đột Nga-Ukraine?

Mới hôm 22/2, giữa buổi họp báo tại thủ đô Budapest, sau cuộc gặp Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjártó tuyên bố rõ, nước này sẽ ngăn chặn EU đưa Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (Rosatom) và ban lãnh đạo của họ vào danh sách trừng phạt mới nhất.

Trước đây không lâu, người đứng đầu ngành ngoại giao Hungary cũng từng “gây sốt” khi lên tiếng chỉ trích gói trừng phạt thứ 10 của châu Âu và Mỹ nhằm vào Nga, mà kế hoạch dự kiến sẽ tung ra đúng vào dịp tròn 1 năm Nga chính thức phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine (24/2). Ngoại trưởng Peter Szijjártó thẳng thắn chỉ ra, thực tế chứng minh các biện pháp trừng phạt không có tác dụng, không giúp ích gì cho nền kinh tế châu Âu và cũng không giúp đạt được hòa bình.

Ông Szijjártó khẳng định, chính phủ Hungary sẽ làm mọi cách để ngăn chặn các nguy cơ ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống người dân. Và thay vì trừng phạt, EU cần tập trung vào việc kiến tạo hòa bình, đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán hòa bình vì "đây là cách duy nhất để cứu sống con người".

Trên thực tế, trong trường hợp mới nhất là đề xuất trừng phạt các doanh nghiệp và tổ chức trong ngành công nghiệp hạt nhân của Nga, bằng phân tích có kèm dẫn chứng, Ngoại trưởng Hungary đã chỉ ra rằng, biện pháp trừng phạt đối với năng lượng hạt nhân hoặc Rosatom "sẽ không chỉ gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích quốc gia cơ bản của Hungary”.

Theo đó, các các dự án điện hạt nhân Hungary phụ thuộc khá nhiều vào các thực thể liên quan Nga, từ công nghệ đến nhiên liệu. Theo thống kê, chỉ riêng Nhà máy điện hạt nhân Paks cung cấp một nửa sản lượng điện và đáp ứng 1/3 lượng điện tiêu thụ ở Hungary.

Trong khi, theo Budapest, thực thi trừng phạt Rosatom tức là gây ra mối đe dọa đối với an ninh hạt nhân toàn cầu. Rosatom của Nga hiện là một trong những thành tố then chốt trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân toàn cầu, có vai trò đảm bảo nhiên liệu cho nhiều nhà máy điện hạt nhân ở các quốc gia.

Còn trong nội hàm gói trừng phạt thứ 10, theo thông tin mới nhất, EU hiện vẫn chưa đạt được đồng thuận, trong khi, một số quốc gia thành viên vẫn khá nhiệt tình ủng hộ thêm các đòn trừng phạt Nga mới.

Tuy nhiên, theo quan điểm ngay từ đầu của Ngoại trưởng Hungary, gói biện pháp này một lần nữa chứng minh rằng, Budapest sẽ không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ EU trong cuộc chiến chống lạm phát đang diễn ra trầm trọng tại quốc gia này. Bên cạnh đó, một số đề xuất của các thành viên khác "có thể đe dọa nghiêm trọng đến an ninh nguồn cung năng lượng của Hungary. Theo đó, chính người dân nước này chứ không phải ai khác sẽ thêm một lần nữa phải trả giá cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Chiến lược giành chiến thắng trong thập kỷ khó khăn?

Vài tháng trước, tờ Financial Times (FT) của Anh từng đăng bài bình luận cho rằng, Tổng thống Ukraine Zelensky “trách” Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã chọn phe Nga và chính sự phụ thuộc năng lượng của Budapest vào Moscow, cũng như không tin tưởng vào Kiev đã làm phức tạp thêm cách tiếp cận của EU đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Bài bình luận cũng cho rằng, lập trường của Thủ tướng Hungary Orban về Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm của Brussels trong việc giải ngân hàng tỷ Euro để phục hồi đất nước của ông sau đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, Thủ tướng Orban lại không ngại bày tỏ quan điểm rất rõ ràng về Nga. Trong Thông điệp quốc gia thường niên, phát biểu tại Hội trường Varkert Bazaar ở thủ đô Budapest , ngày 18/2 vừa qua, ông đề cao nội dung mục tiêu "Hòa bình và An toàn". Theo đó, Nhà lãnh đạo Hungary tuyên bố rõ "sẽ duy trì quan hệ với Moscow và kêu gọi các nước khác làm điều tương tự", ngay cả khi EU cố gắng duy trì một mặt trận thống nhất chống lại Nga về chiến dịch quân sự tại Ukraine.

“Chúng tôi sẽ duy trì mối quan hệ kinh tế với Nga và đây cũng là điều chúng tôi đề xuất với các đồng minh của mình”, ông Orban phát biểu. “Chính phủ Hungary không coi ý kiến cho rằng Nga là mối đe dọa đối với an ninh của Hungary hoặc châu Âu là thực tế", ông nhắc lại quan điểm.

Thay vào đó, Thủ tướng Orban thẳng thắn cho rằng, châu Âu “đang trên bờ vực sa vào cuộc xung đột… Trên thực tế, châu Âu đã có một cuộc xung đột gián tiếp với Nga”, ông khẳng định.

Theo đó, người đứng đầu chính phủ Hungary chia sẻ: “Chúng ta chỉ còn một lựa chọn duy nhất đứng ngoài cuộc xung đột. Điều này sẽ không dễ dàng với tư cách là một thành viên của NATO và EU”.

Giới quan sát bình luận, ngay từ đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine, Budapest đã từ chối gửi vũ khí cho Ukraine như các thành viên EU khác đã làm, thay vào đó kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và đàm phán hòa bình. Ông cũng đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga vì đã gây ra lạm phát cao ngất trời ở Hungary, đạt mức cao nhất của EU là gần 26% vào tháng 1/2023. Bởi vậy, ông hứa sẽ chống lạm phát, nói rằng, "lạm phát giống như một con hổ sẽ ăn thịt bạn nếu bạn không loại bỏ nó".

Trước đó, trong một bài phát biểu toàn diện tại bữa tối Giáng sinh và Chào năm mới 2023, Thủ tướng Viktor Orban đã vạch ra những thách thức và cơ hội của Hungary trong thập kỷ khó khăn. Ông cho rằng, trong bối cảnh tiến thoái lưỡng nan, lợi ích chiến lược của Hungary nằm ở khả năng kết nối.

Phân tích tình hình, Thủ tướng Orban cho rằng, việc đối phó với cuộc khủng hoảng của trật tự thế giới, khối phương Tây và do Mỹ dẫn đầu, đang ngày càng khó khăn, do khó kiểm soát các mối quan hệ của mình nhằm duy trì ít nhất một phần ưu thế”. Ông chỉ ra rằng, “đây là một tin đặc biệt xấu đối với toàn bộ EU, nhất là đối với các quốc gia như Hungary.

Hơn nữa, ông giải thích, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất đến các quốc gia như họ – và họ sẽ không có cách nào để thay đổi tình hình.

Thủ tướng Orban cảnh báo: “Hungary, bị mắc kẹt giữa các khối lớn, luôn phải nhận thua thiệt trong các quá trình như vậy, trong quá khứ. Vì vậy "chúng ta cần một mô hình và chiến lược toàn cầu hóa thay thế". "Hãy kết nối với những nơi xa xôi trên thế giới, chúng ta có thể giành chiến thắng trong thập kỷ tới”, ông Orban khẳng định.

Và như Trợ lý cấp cao của Thủ tướng Hungary Balazs Orban, mục tiêu của Budapest trong thập kỷ này, là vượt thách thức chiến lược lớn nhất mà họ phải đối mặt - thoát khỏi nhóm thu nhập trung bình và bắt kịp các nước phát triển, đồng thời đạt được vị thế của một quốc gia tầm trung khu vực ở Trung Âu.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật