Điện thoại nắp gập “sống lại” giữa “cơn lốc” smartphone

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trải qua thời gian dài phát triển, điện thoại nắp gập, cũng như các mẫu điện thoại cơ bản khác, đột ngột bị ’bức tử’ bởi trào lưu smartphone, tuy nhiên với trào lưu ’quay lại thập niên 2000’, các mẫu điện thoại này đột nhiên hot trở lại.
Điện thoại nắp gập “sống lại” giữa “cơn lốc” smartphone
Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, trào lưu "quay lại thập niên 2000" bỗng nhiên hot trở lại với những lối phong cách, thời trang, make up và cả phụ kiện được nhiều bạn trẻ săn đón với tên gọi Y2K.

Đây là một thuật ngữ xuất hiện từ cuối những năm 90 - đầu năm 2000. Y2K là từ viết tắt của Year 2000, nghĩa là năm 2000. Chữ K đại diện cho nghìn hoặc ngàn, 2K tức là 2000.

Khái niệm Y2K bắt đầu là một thuật ngữ công nghệ, sau đó sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác và được chuộng nhất trong giới thời trang.

Tuy nhiên, gần đây "chủ nghĩa tối giản kỹ thuật số" trong việc sử dụng các sản phẩm công nghệ cũng dần phổ biến trở lại và được nhiều bạn trẻ ưa thích. Trong đó bao gồm cả việc sử dụng lại những chiếc điện thoại cũ, điện thoại nắp gập từng gây sốt một thời.

Những dòng điện thoại của hãng Samsung như Galaxy Folder 3 hay Samsung Folder 2 hiện tại được rất nhiều người ưa chuộng và thậm chí được review nhiều trên mạng xã hội như Tiktok hay được bày bán rộng rãi trên sàn thương mại như Shopee, Lazada,...

Kim Ngân - một bạn nữ sinh năm 1997, thế hệ Gen Z đầu tiên sau khi sở hữu dòng điện thoại nắp gập của Galaxy Folder 3 đã chia sẻ: "Cảm giác giống như được quay lại hồi mình còn học cấp 1, cấp 2 được bố mẹ cho mượn điện thoại để chơi và luôn ao ước được sở hữu nó vậy".

Ngân chia sẻ, bản thân mua mẫu điện thoại nắp gập này từ một người bán hàng cũ trên Shopee. Nếu sử dụng sim bình thường có đăng ký 4G thì điện thoại vẫn có thể truy cập Internet và dùng như thường. Song vì bản thân đã sở hữu một chiếc điện thoại cảm ứng khác rồi nên việc dùng thêm điện thoại nắp gập chỉ để liên lạc với bạn bè, gia đình hoặc để chụp ảnh cho đẹp.

Sử dụng điện thoại nắp gập, điện thoại đời cũ bỗng trở thành "hiện tượng".

Cũng giống như Ngân, một bạn Tiktoker sau khi mua lại chiếc điện thoại đời cũ để làm review cũng cho biết, chiếc điện thoại giống như một người bạn của tuổi thơ. So với các dòng điện thoại hiện đại, sử dụng điện thoại nắp gập dòng cũ đơn giản hơn nhiều, mặc dù không thể gửi tin nhắn, và kiểu bàn phím gây mất thời gian trong việc gõ phím.

"Tuy nhiên mình khá thích thú với chiếc điện thoại này, ngoài sự hoài niệm, khi sử dụng điện thoại nắp gập đời cũ của Samsung, chúng vừa bền, giá rẻ mà lại ít gây phân tâm hơn hẳn so với các những chiếc smartphone cao cấp hiện nay vì không thể cài được nhiều ứng dụng giải trí", bạn Tiktoker chia sẻ.

Trải qua thời gian dài phát triển, điện thoại nắp gập, cũng như các mẫu điện thoại cơ bản khác, đột ngột bị "bức tử" bởi trào lưu smartphone. Từ bị cạnh tranh ban đầu, xu hướng rẻ hóa di động thông minh dần khiến người dùng quay lưng nhanh chóng với những mẫu điện thoại khác biệt với số đông.

Theo nghiên cứu từ một hãng điện thoại, lượng người dùng điện thoại cơ bản ở Việt Nam vẫn còn lớn. Họ thuộc lứa tuổi trung niên, có nhu cầu sử dụng máy chất lượng cao nhưng đã quen với các thiết kế cũ, còn ngần ngại khi chuyển sang smartphone cảm ứng.Một nhóm người dùng khác ưa chuộng thiết bị này là những người hoài cổ, thích sản phẩm đặc biệt, muốn tạo ấn tượng với số đông.

Nắm bắt điều đó, nhiều tên tuổi hãng điện thoại lớn đã tung ra các sản phẩm nắp gập mang tính chất làm thương hiệu, không đặt nặng mục tiêu doanh số. Bên cạnh đó, họ vẫn phải tung ra các thiết bị "màn hình phẳng", cấu hình cao theo nhu cầu thị trường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật