Tin liên quan
Quân đội Ukraine nói với CNN rằng, Nga đã phát động cuộc không kích lớn nhất vào nước này kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt, với số lượng máy bay không người lái và tên lửa chưa từng có bắn vào các mục tiêu trên khắp Ukraine, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và 132 người khác bị thương.
Làn sóng tấn công bắt đầu từ đêm 29/12, với các vụ nổ được báo cáo ở thủ đô Kiev, cũng như tại một số khu vực ở trung tâm thành phố Dnipro, phía đông thành phố Kharkiv, phía đông nam cảng Odesa và phía tây của thành phố Lviv.
Lực lượng Không quân Ukraine cho biết, Nga đã sử dụng 158 máy bay không người lái và tên lửa, bao gồm tên lửa siêu thanh Kinzhal, tên lửa hành trình và máy bay không người lái Shahed, để tấn công các mục tiêu ở Kiev, phía đông, nam và tây đất nước.
Vụ tấn công quy mô lớn diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ukraine tấn công một tàu đổ bộ của Hải quân Nga ở Crimea hôm 26/12, gây hư hại nghiêm trọng cho con tàu này và được xem là đòn tấn công lớn nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Moscow.
Đáng chú ý, Lực lượng Không quân Ukraine cho biết họ đã ghi nhận sự xuất phát của 9 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS xuất phát từ sân bay Olenya ở vùng Murmansk của Nga. Tu-95 là trụ cột trong các cuộc không kích của Nga vào Ukraine, có thể phóng tên lửa hành trình tấn công mục tiêu mà không phải đi vào khu vực nằm trong tầm bắn của hệ thống phòng không Ukraine.
Tupolev Tu-95 (Tên hiệu NATO Bear) là loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng có khả năng mang tên lửa hành trình thành công nhất và có thời gian phục vụ lâu nhất của dòng Tupolev, được chế tạo tại Liên Xô trong cuộc chiến tranh Lạnh.
Đi vào phục vụ từ năm 1956, đến thời điểm năm 2017, Tu-95 vẫn đang hoạt động tích cực và dự tính tiếp tục hoạt động trong Không quân Nga ít nhất tới năm 2040. Tu-95 sử dụng bốn động cơ tuốc bin cánh quạt Kuznetsov NK-12 với cánh quạt kép đồng trục quay ngược chiều nhau và hiện vẫn là chiếc máy bay cánh quạt có tốc độ cao nhất đang hoạt động.
Tới nay, đây vẫn là loại máy bay ném bom chiến lược sử dụng động cơ tuốc bin cánh quạt duy nhất từng hoạt động. Một phiên bản dùng cho hải quân của loại máy bay này được đặt tên định danh Tu-142.
Tu-95 có thể được xem như "một đối trọng" với pháo đài bay B-52 của Không quân Mỹ. Một phần lý do giúp kéo dài tuổi thọ loại máy bay này là nhờ cấu hình của Tu-95 thích hợp để chuyển đổi cho nhiều mục đích sử dụng.
Tính đến năm 2023, trong số trên 500 chiếc Tu-95 được chế tạo, chỉ có 13 chiếc bị mất do tai nạn, chiếm 2,6% số máy bay được chế tạo, trong khi B-52 có tỷ lệ tai nạn lên tới 12,6% số máy bay được chế tạo.
Tu-95MS (Bear-H) là phiên bản được thiết kế để mang tên lửa hành trình hoàn toàn mới dựa trên khung chiếc Tu-142. Biến thể này được xem là bệ phóng của tên lửa hành trình Kh-55. Bear-H là tên do giới quân sự Mỹ đặt cho Tu-142 trong khoảng thời gian trước thập niên 1980 khi họ còn chưa biết tên định danh của nó.
Phi đội Tu-95MS gồm bảy người: hai phi công, một pháo thủ đuôi, bốn người làm những nhiệm vụ khác. Máy bay có chiều dài 49,5 m. Sải cánh 51,1 m. Chiều cao 12,1 m. Diện tích cánh 310 m². Trọng lượng rỗng: 90.000 kg. Trọng lượng cất cánh tối đa 188.000 kg. Tu-95MS có tốc độ tối đa 925 km/h. Tầm bay 15.000 km. Trần bay 12.000 m. Tốc độ cất cánh 10 m/s.
Về trang bị vũ khí, máy bay được trang bị 1-2 pháo AM-2 23 mm ở tháp pháo đuôi; tên lửa bao gồm các loại tên lửa hành trình không đối đất Kh-20, Kh-22, Kh-26, Kh-55 và Kh-15; Bom gồm FAB-250, FAB-500, FAB-1500.
Tất cả những chiếc Tu-95 hiện đang hoạt động tại Nga và Ukraine đều là biến thể Tu-95MS, được chế tạo trong thập niên 1980 và 1990. Việc phát triển một loại tên lửa không đối đất mới để thay thế tên lửa hành trình Raduga Kh-55 đã được tiến hành từ đầu thập niên 1990, tuy nhiên do yếu tố kỹ thuật và khó khăn tài chính, nên đã bị hủy bỏ.
Tu-95 cũng đã ném quả bom hạt nhân có sức công phá lớn nhất trong lịch sử nhân loại mang tên Tsar Bomba (với đương lượng nổ lên tới 50 megaton) tại bán đảo Kola vào năm 1961.