Giá dầu tăng cao có ý nghĩa gì đối với thị trường thế giới?

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giá dầu đã tăng khoảng 16% trong năm nay do lo ngại về nguồn cung tăng cao khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông và các cuộc đáp trả qua lại vào cơ sở hạ tầng năng lượng giữa Nga và Ukraine.
Giá dầu tăng cao có ý nghĩa gì đối với thị trường thế giới?
Ảnh minh họa

Trong báo cáo mới cập nhật, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã mô tả một "kịch bản bất lợi", trong đó xung đột leo thang ở Trung Đông sẽ dẫn đến giá dầu tăng 15% và chi phí vận chuyển cao hơn, khiến lạm phát toàn cầu tăng khoảng 0,7 điểm phần trăm.

Nguồn cung dầu thắt chặt và giá cao hơn được củng cố bởi OPEC+ khi đang hạn chế sản lượng.

Trước đó, đợt tăng giá năng lượng cách đây hai năm đã giúp đẩy lạm phát và lãi suất lên cao hơn ở quy mô chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ, và đợt tăng mới nhất của giá dầu sẽ có tác động tới nhiều yếu tố khác nhau.

Lạm phát

Sau khi lạm phát ở Mỹ cao hơn dự kiến trong tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 3, bóng ma lạm phát cao hơn đã quay trở lại khi kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm mạnh.

Gần đây, giá năng lượng giảm là động lực chính khiến kỳ vọng lạm phát thấp hơn. Do đó, giá dầu tăng cao được xem là mối đe dọa đối với xu hướng này.

Một thước đo thị trường quan trọng về kỳ vọng lạm phát dài hạn của khu vực đồng euro đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 12 ở mức 2,39% vào hôm 16/3. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có mục tiêu lạm phát 2%.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, tình trạng hỗn loạn mới ở Trung Đông cho đến nay ít ảnh hưởng đến giá hàng hóa. Mặc dù đã đạt mức cao trong tuần qua, nhưng giá dầu đã giảm nhẹ trong tuần này.

Tuy nhiên, ECB cho biết họ “rất chú ý” đến tác động của dầu mỏ, điều này có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy lạm phát.

Chiến lược gia trưởng thị trường của Tập đoàn Bảo hiểm Zurich, Guy Miller cho biết các nền kinh tế có thể tồn tại và các nhà sản xuất khá hài lòng khi giá dầu ở mức khoảng 75-95 USD/thùng.

“Nhưng nếu chúng ta thấy điều này tăng cao hơn thì đúng vậy, đó sẽ là mối lo ngại cả từ góc độ tăng trưởng và lạm phát”, ông cho biết.

Cổ phiếu dầu khí

Cổ phiếu năng lượng rõ ràng là đối tượng hưởng lợi nhờ giá dầu cao hơn. Chỉ số dầu khí của S&P 500 và ở châu Âu đang ở gần mức cao kỷ lục.

Mức tăng của các cổ phiếu dầu khí của Mỹ đã tăng gần 13% từ đầu năm đến nay, vượt xa mức tăng 6% của chỉ số S&P 500.

Ed Yardeni, người sáng lập Yardeni Research cho biết việc giá dầu Brent tăng lên 100 USD/thùng trong những tuần tới là có thể xảy ra, đồng thời khuyến nghị nên giữ tỷ trọng lớn đối với cổ phiếu năng lượng.

Lần gần nhất giá dầu đạt mức trên 100 USD/thùng là vào năm 2022, vào thời điểm khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra khiến giá dầu tăng vọt lên khoảng 139 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008.

“Tôi tin rằng bạn phải tăng cường năng lượng ít nhất như một bộ giảm xóc trong danh mục đầu tư của mình trong trường hợp giá dầu tiếp tục tăng cao”, ông Ed Yardeni cho biết.

Đồng đô la mạnh mẽ

Năm 2024 bắt đầu với kỳ vọng đồng đô la sẽ giảm khi lạm phát suy yếu và cho phép Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất. Thay vào đó, đồng bạc xanh đã tăng 4,7% trong năm nay trong bối cảnh các kỳ vọng cắt giảm lãi suất bị suy giảm.

Ngoài ra, việc giá dầu cao hơn cũng có thể thúc đẩy sức mạnh cho đồng đô la.

Bank of America cho biết mặc dù đồng đô la vẫn có triển vọng “tiêu cực” trong trung hạn nhưng giá dầu tăng cao đồng nghĩa với đồng đô la có khả năng tăng giá.

Điều đó càng làm tăng thêm áp lực lên các nền kinh tế như Nhật Bản khi đang phải chật vật với sự suy yếu của đồng yên, khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng can thiệp để hỗ trợ đồng yên đang suy yếu ở mức thấp nhất trong 34 năm.

Colin Asher, chuyên gia kinh tế cấp cao của Mizuho Corporate Bank cho biết: “Đồng yên và đồng euro sẽ chứng kiến tỷ lệ trao đổi trở nên tồi tệ hơn khi giá năng lượng tăng. Điều này hàm ý rằng những đồng tiền này sẽ yếu hơn nếu giá năng lượng tăng”.

Tiền tệ ở các thị trường mới nổi chịu ảnh hưởng

Giá dầu cao hơn trong thời gian dài hơn cũng sẽ gây khó khăn cho nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi, như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước nhập khẩu dầu ròng.

Đồng rupee của Ấn Độ đã chạm mức thấp kỷ lục so với đồng đô la trong tuần này.

Với việc dầu được định giá bằng đô la, nhiều nhà nhập khẩu cũng phải chịu mức giá cao hơn do ảnh hưởng của biến động tiền tệ.

Ngay cả ở Nigeria - quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất châu Phi - đồng tiền naira lao dốc đã ảnh hưởng tới ngân sách của chính phủ do mức trần của giá xăng và thiếu nguồn lọc dầu trong nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật